Câu hỏi 59 : Công dụng của Củ Cải Trắng để chữa bệnh

Thân gửi anh Đỗ Đức Ngọc,

Xin cho tôi gọi “anh” vì anh là đồng môn CVA. Những điều lành anh gieo cho mọi người sẽ làm tăng tuổi thọ , từng thời kỳ, mãi mãi. Xin anh cho biết ý kiến về những điều một số người cho rằng:

-Phụ nữ không nên ăn củ cải trắng, vì sẽ bị huyết trắng

-Trái su su có thể làm mất máu

Tôi không tin như thế, nhưng xin lương y cho biết đông y quan niệm về những thứ này như thế nào, kể cả mặt tốt cũng như xấu.

Cám ơn anh.

Đức

Trả lời :

Thân gửi Anh Đức và các bạn đồng môn CVA,

Củ cải trắng đông y gọi là La Bặc.

Xin các anh để ý, khi đông y phân tích một vị thuốc theo tính dược thì chú ý đến gốc là Tính-Khí-Vị của nó đi vào kinh nào để thầy thuốc giỏi dùng để chữa vào gốc bệnh theo chức năng tạng phủ ngũ hành.

Còn những thầy bán thuốc hoặc những người không biết cách chữa gốc thì chỉ xem công dụng của nó để chữa ngọn, hễ thấy có ghi đến bệnh của mình thì mình dùng, nên có khi phản tác dụng hoặc trên toa ghi chữa nhiều bệnh có vẻ mâu thuẫn nên nghi ngờ thuốc đông y.

Dưới đây là phân tích đối chiếu nghiên cứu của khoa học hiện đại theo tây y, và kinh nghiệm của đông y :

A-Phân tích theo tây y:

Thành phần hóa học :

+ Trong Lai Phục Tử có : Erucic acid, Oleic acid, Linolenic acid, Linoleic acid, Glycẻol sinapate, Raphanin ( Trung Dược Học).

+ Củ tươi chứa Glucose, Pentosan, Adenin, Arginin, Histidin, Cholin, Trigonellin, Diastase, Glucosidase, Oxydase catalase, Allyl isothiocyanat, Oxalic acid, Vitamin A,B, C.

Tác dụng dược lý :

*Tác dụng kháng khuẩn : Chất Raphanin trong Lai phục tử có tác dụng ức chế đối với Staphylococus aureus, Streptococus pneumoniae và E.Coli.

*Tác dụng chống nấm : Nước sắc Lai phục tử, ngâm kiệt, có tác dụng ức chế nhiều loại nấm gây bệnh ngoài da.

*Thành phần có tác dụng kháng khuẩn là Bạc tử tố ( Raphanin), in vỉto, thuốc trộn lẫn với ngoại độc tố vi khuẩn, thuốc có tác dụng rõ rệt. Nếu Raphanin hòa loãng 1:2000 có thể trung hòa 5 liều chíù tử của độc tố Tetanos ( uốn ván). Nếu pha loãng 1:500 thuốc có thể trung hòa 4 liều chí tử của độc tố bạch hầu.

*Nước chiết xuất của Lai phục tử có tác dụng hạ áp từ từ mà rõ rệt và kéo dài.

B-Phân tích theo kinh nghiệđông y :

Tính-vị :

Do có nhiều loại ở nhiều địa phương khác nhau, củ cải trắng có vị cay, nhưng có nơi tíng của nó nóng nhiều hay nóng ít, nên mỗi bản thảo là kinh nghiệm của các thời điểm các thầy thuốc nghiên cứu kiểm nghiệm lại đưa ra ý kiến hơi khác nhau)

+Tính ôn, vị cay (Trấn Nam Bản Thảo).

+Vị cay, tính nhiệt ( Ngọc Thư Bản Thảo).

+Vị cay, ngọt, tính bình ( Trung Dược Học).

+Vị ngọt, cay, tính bình (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh :

Quy kinh là công dụng của thuốc đối với lục phủ ngũ tạng có quy luật về vị và khí như sau :

Vị có công dụng dẫn thuốc vào tạng phủ phù hợp như :

Vị ngọt vào Tỳ, vị cay vào phế, vị mặn vào thận, vị chua vào gan, vị đắng vào tim

Còn Khí thì cũng đúng loại khí phù hợp với tạng phủ như :

Khí phong vào gan, khí hỏa vào tim, khí thấp vào tỳ, khí táo vào phế, khí hàn vào thận.

Còn về Tính của thuốc chia làm hai loại :

Loại theo nhiệt độ gồn nóng là nhiệt hay lạnh là hàn, không nóng không lạnh gọi là bình hay ôn..

Loại theo bát pháp là Thăng, giáng, thu, liễm, hãn, thổ, hạ, hòa.

Món ăn thuốc uống đó làm khí huyết thăng lên đầu (thăng) hay đưa khí huyết xuống chân (giáng), hay làm tiêu mất đi (tiêu, khu, trục, chỉ, trấn, thác, hóa), hay cẩm giữ lại (thu liễm), hay làm cho xuất mồ hôi (hãn), hay làm cho ói (thổ), hay làm cho đi tiêu chảy (hạ), hay có tính bổ thông (gọi là hòa, lợi, thông, khoan, kiện ).

Do đó khi đông y nói thuốc có công dụng vào kinh Phế Tỳ chẳng hạn thì có nghĩa thuốc đó vừa có vị cay, ngọt. Những thầy thuốc giỏi cần biết tính khí vị để biết chữa vào gốc bệnh.

Vậy Củ Cải Trắng chữa vào những kinh mạch tạng phủ này :

+Vào kinh Phế, Tỳ ( Trấn Nam Bản Thảo).

+Vào kinh Tỳ, Vị ( Dược Phẩm Hóa Nghiã).

+Vào kinh Phế, Vị, Tỳ ( Trung Dược Học).

+Vào kinh Phế, Tỳ (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tác dụng của tính-khí-vị dùng cho thầy giỏi :

+Thổ phong đờm, tiêu thủng độc (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).có nghĩa là làm ói ra đờm, làm tiêu mất phù thủng

+Hạ khí, định suyễn, trừ đờm, tiêu thực, trừ đầy trướng, lợi đại tiểu tiện, chỉ khí thống (Bản Thảo Cương Mục).

+Dùng sống có tác dụng thổ phong đờm, khoan hung cách, thác sang chẩn. Dùng chín có tác dụng hạ khí, tiêu đờm, công kiên tích, lỵ ( Y Lâm Soạn Yếu Thám Nguyên).

+Hạ khí, yên suyễn, hóa đờm, tiêu thực (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ Trị dùng cho thầy bán thuốcvà những người tìm loại thuốc ghi chữa đúng vào bệnh của mình, nhưng không rõ tính-khí-vị của thuốc :

Thí dụ như muốn chữa bệnh đau bụng hay bệnh suyễn mà không biết mình đau bụng lạnh tiêu chảy hay đau bụng do táo bón, hoặc suyễn do nhiệt hay do hàn…Nếu chỉ nhìn vào toa công dụng của thuốc sẽ dùng sai.

Tại sao Củ cải lại chữa được suyễn hàn, vì theo vị cay, thuốc vào kinh tạng phế, củ cải có tính nhiệt làm ấm phổi do hàn đàm làm ra suyễn…

Trị ngực đầy vì nó có tính vừa hạ (đi cầu) vừa lợi (làm thông)…

+Trị hạ lợi hậu trọng (lỵ) lở ngứa, ban sởi (Bản Thảo Cương Mục).

+Trị ngực đầy, bụng trướng, khí trệ gây đau, lỵ, ho suyễn có đờm (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liều dùng : 6-10g sắc nước hoặc sao, tán thành bột.

Kiêng kỵ :

Bệnh huyết trắng là loại bệnh do khí hư không giữ được khí huyết trong người, củ cải làm hao khí thêm thì huyết trắng ra nhiều hơn.

Như vậy khi dùng thuốc đông y thầy phải biết đến tính-khí-vị, và nếu cần phải bắt buộc dùng thì lại cần biết cách phối hợp làm tăng điểm mạnh, làm giảm tác dụng phụ, nên 1 toa thuốc phối hợp gọi là quân thần tá sứ.

+ Khí hư : cẩn thận khi dùng ( Trung Dược Học).

+ Người hư yếu, cơ thể thuộc loại chân khí hư: không nên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Lai phục tử làm hao khí, vì vậy người vốn khí bị hư, không có thực tích, đờm trệ: không nên dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Đơn thuốc kinh nghiệm đã có kết qủa :

+ Trị phản vị, ế cách : La bặc, tẩm mật, chưng, nghiền nát, ăn (Phổ Tế phương).

+ Trị trẻ nho ho suyễn, thở khò khè: La bặc tử, Ma hoàng, Đăng tâm thảo, Tạo giáp tử, Cam thảo. Tán bột, mỗi lần dùng 4g ( La Bặc Tử Tán – Chứng Trị Chuẩn Thằng).

+ Trị phế quản viêm mạn, ho, khó thở, đờm nhiều: La bặc tử (sao) 10g, Tô tử (sao) 10g, Bạch giới tử (sao) 3g. tán nhuyễn, cho vào túi vải, sắc với 500ml nước còn 200ml, chia làm 3 lần uống (Tam Tử Dưỡng Thân Thang – Hàn Thị Y Thông).

+ Trị mùa đông cóng lạnh, bị mọc nhọt sưng đau chưa vỡ: Lấy 1 củ Cải, cắt ngang, cho vào lửa nướng chín, cắt bỏ chỗ cháy đen, sát vào chỗ đau, nguội thì thay miếng khác, làm như vậy vài ba lần thì khỏi (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Trị táo bón nơi người lớn tuổi : La bặc tử, cho nhỏ lửa, sao vàng, 30-40g, uống với nước ấm, ngày 2-3 lần. Dương-Kiện đã dùng trị 32 cas trên 60 tuổi, kết quả sau khi uống thuốc dưới 12 giờ thì đi tiêu 20 cas, từ 12-24 giờ đi ngoài : 9 cas, trên 24 giờ vẫn chưa đi tiêu được : 3 cas, tỉ lệ kết quả : 90,6% (Trùng Khánh Y Dược Tạp Chí 1986, 6:46).

+Trị huyết áp cao :

* Dùng liều trung bình (6-10g/ ngày) cho bệnh nhân uống. Theo dõi 467 cas huyết áp cao: có kết quả 86,94%, kết quả rõ rệt : 49,8%, triệu chứng lâm sàng có cải thiện : 92% (Lai Minh, Thông Tin Nghiên Cứu Y Học 1986, 6:185).

* Lấy La bặc tử sắc nước cô đặc, nấùu thành cao, chế thành viên, mỗi lần uống 5 viên (tương đương 30g thuốc sống), ngày uống 3 lần, trị trong 1 tháng. Đã dùng cho 179 cas huyết áp cao giai đoạn I, kết quả đạt 90% (Lưu-Kế-Tang, Trung Tây Y Kết Hợp Tạp Chí 1986, 2:110).

+ Trị rối loạn tiêu hóa, thực tích, bụng đầy, miệng hôi, táo bón: La bặc tử (sao) 10g, Chỉ xác 6g, Tiêu thần khúc 12g, sắc nước uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị kiết ly cấp: Lai phục tử 12g, Tỏi 4g, giã nát, uống với nước nóng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+Trị phế quản viêm mạn, ho, khó thở, đờm nhiều:

1) La bặc tử (sao), Tô tử (sao), đều 10g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

2) La bặc tử (sao), Hạnh nhân đều 10g, Cam thảo (sống) 6g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Tham khảo :

+ “La bặc căn, để sống thì có vị cay, tính hàn, nấu chín thì vị ngọt, tính bình. Củ nó ăn sống được, lá nó nên nấu chín. La bặc căn có tác dụng ức chế được chất độc của bột mì và đậu phụ. Kiêng dùng La bặc tử chung với Hà thủ ô và Địa hoàng. Nếu ăn chung thì râu tóc chóng bạc. La bặc tử tiêu được thức ăn ngũ cốc, trừ đờm tích, chận cơn ho, giải tiêu khát. Giã vắt lấy nước cốt, mài với mực tàu cho vào họng ăn ngăn được thổ huyết, hạ huyết rất nhanh. Sách ‘Bản Thảo Diễn Nghĩa’ ghi : Để tán khí thì dùng với Sinh khương, để hạ khí xuống thì dùng La bặc. Tuy nhiên, nấu nước uống nhiều thì sẽ bị đình lại ở chấn thủy, gây ra chứng dật ẩm vì La bặc tử nhiều vị ngọt mà ít cay. Ông Chu Đan Khê nói : La bặc trị đờm có công dụng xuyên tường đổ vách, người hư yếu uống vào thì hơi khí bị ngắn, khó thở ” (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ “La bặc tử trị đờm có công dụng xuyên tường đổ vách” (Bản Thảo Diễn Nghĩa Bổ Di).

+ “La bặc tử có tác dụng thông ứ, lợi khí. Để sống thì năng thăng lên, chín thì có tác dụng giáng xuống. Thăng thì làm thổ phong đờm, tán phong hàn, phát sang chẩn. Giáng thì làm yên cơm suyễn, ho, làm yên chứng lỵ, chận đau bên trong (Bản Thảo Cương Mục).

+ “La bặc tử, vô luận là sống hoặc sao đều có thể thuận khí, khai uất, tiêu trừ trướng mãn, là laọi thuốc hóa khí chứ không phải phá khí. Phàm thuốc lý khí, uống độc vị và uống lâu thì tổn thương khí, còn La bặc tử, sao chín, tán thành bột, sau mỗi bữa ăn uống 1 ít để tiêu thực, thuận khí thì không tổn thương khí, vì thuốc giúp ăn nhiều hơn, phần khí được bổ dưỡng” (Y Học Trung Trung Tham Tây Lục).

+ “Thuốc nên sao lên để cho vào thuốc thang vì dùng sống dễ gây buồn nôn” (Trung Dược Học).

+ “Thường sơn gây nôn đờm sốt rét; Qua đế gây nôn đờm nhiệt, Ô phụ tiêm gây nôn đờm thấp; La bặc tử gây nôn đờm khí; Lê lô gây nôn đờn phong, dùng đúng sở trường của mỗi vị thì rất hiệu nghiệm” (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ “Lai bặc tử dùng sống, dùng sao, tác dụng hoàn toàn khác nhau. Dùng sống có thể thăng hoặc tán; dùng sao có thể giáng, có thể tiêu. Lai bặc tử tục gọi là La bặc, hàm lượng nhiều nước, ăn sống thì thăng khí, ăn chín thì giáng khí, tiêu thực, khón trung, hóa đờm, tán ứ. Rau cải củ gọi là Lai bac anh, có thể cầm được tiêu chảy lâu ngày. Lai bặc tử có thể làm giảm bớt sức bổ của vị Nhân sâm và Thục địa. Nếu uống những loại thuốc bổ có Nhân sâm , Thục địa, nên kiêng cây Củ cải và cả hạt nữa” (Đông Dược Học Thiết Yếu).

*Bài thuốc ‘Cốt Chất Tăng Sinh Hoàn’ (La bặc tử, Thục địa, Kê huyết đằng, Nhục thung dung, Dâm dương hoắc, Cốt toái bổ) có tác dụng kháng viêm rõ. Trong bài thuốc, thành phần kháng viêm là Thục địa, Nhục thung dung và La bặc tử. Bài thuốc có tác dụng hưng phấn hệ thống tuyến yên, vỏ thượng thận, đó là cơ sở của tác dụng kháng viêm (Trung Dược Học).

———

Củ Su Su không có trong danh mục thuốc, và chưa có sự nghiên cứu nào của khoa học, nên tôi không thể cung cấp tính-khí-vị cho anh được, xin anh thông cảm nhé.

Thân

doducngoc