Bài 244: Các loại nước uống chữa bệnh cao áp huyết và chữa những biến chứng tim gan thận.. .

1-Nước hoa cúc, hy thiêm:

Nấu nước với 15g dã cúc hoa, 15g hy thiêm thảo uống mỗi ngày làm hạ áp huyết, mát gan hạ hỏa.

2-Nước đơn sâm, ích mẫu :

Nấu nước với 15g đơn sâm, 12g ích mẫu thảo, uống nóng công dụng làm tan huyết bầm và giúp cho máu lưu thông không bị tụ lại.

3-Nước sơn tra trừ cholesterol phòng ngừa cao áp huyết :

Mỗi ngày nấu 5-10 qủa sơn tra khô uống như nước trà sau mỗi bữa ăn, sau một tuần cholesterol xuống. Nếu uống tiếp tục sẽ giảm mỡ bụng và giảm mập.

Những người có bệnh biếng ăn, ốm yếu, nên uống trước bữa ăn sẽ kích thích ăn ngon.

Những người ăn được nhưng chậm tiêu, hoặc người mập, bụng nhiều mỡ, muốn bớt mỡ bụng, giúp tiêu hóa nhanh, nên uống sau bữa ăn. Cả hai cách uống trước hay sau cũng làm hạ áp huyết xuống bình thường sau thời gian 1 tháng.

Nếu chúng ta đang dùng thuốc tây y chữa bệnh cao áp huyết cũng vẫn dùng trà sơn tra được, nhưng phải đo áp huyết để kiểm soát mỗi ngày, đừng để áp huyết xuống dưới 120/70mmHg, vì trà sơn tra là loại dược thảo chữa bệnh cao áp huyết tương đương như loại thuốc trị áp huyết của tây y.

Phân tích công dụng của Sơn tra theo đông tây y :

Tên khoa học Malus doumeri (Bois.)A.Chev..tên khác là chua chát, chứa tannin, đường, acid tatric, citric, vị chua ngọt, chát, tính bình, vào các kinh can, tỳ, vị, có công dụng kiện tỳ, kích thích tiêu hóa ăn ngon miệng, hóa tan máu cục, tan chất béo, dầu mỡ, cholesterol, đờm dãi, đuổi uất khí làm nhẹ ngực, tiêu tích trệ, tán cơ, làm tăng men tiêu hóa trong trường vị, thu liễm, giảm đau bụng do không tiêu, do ứ huyết, xuất huyết, bệnh trĩ, bảo vệ tim.

Dùng chữa bệnh ăn không tiêu bụng đầy trướng, ợ chua, kiết lỵ, mồ hôi trộm.

4-Nước mè đen, hà thủ ô ngừa cao áp huyết, bón, xơ cứng mạch máu:

Mè đen, hà thủ ô, ngưu tất, mỗi thứ 10g, nấu nước uống mỗi ngày.

5-Trà rễ Ba gạc chữa cao áp huyết nhẹ (145-165mmHg ) kèm theo nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ:

Dùng bột rễ Ba gạc 200-500mg, hoặc 50g rễ nấu uống như trà mỗi ngày.

Phân tích công dụng của Ba gạc theo đông tây y:

Có 5 loại Ba gạc, tên khoa học chung là Rauvolfia ,loại 4 lá là R. tetraphylla L.,loại hoa đỏ là R. serpentine (L.) Benth.ex Kurz., loại lá to là R.cambodiana Pierre ex Pitard, loại lá vòng tên R.verticillata (Lour.) Baill. loại Ba gạc Phú thọ là R. vomitoria Afzel.ex Spreng. Cả 5 loại đều có chứa alkaloid trong đó có reserpin là chất quan trọng nhất làm hạ áp huyết từ từ êm dịu, tiêu hủy adrenalin ức chế thần kinh trung ương, giảm nhức đầu chóng mặt, an thần dễ ngủ, loại tetraphylla còn có tác dụng thu nhỏ đồng tử, giãn mí mắt, loại serpentine chữa đựợc bệnh tâm thần, động kinh, loại verticillata còn có tác dụng phong bế hạch, loại vomitoria còn có tác dụng tăng cường tiêu hóa.

Đông y VN chế thành viên Raucaxin 2mg alkaloid toàn phần từ vỏ rễ Ba gạc 4 lá, hoặc viên nén Reserpin, Rauviloid 2mg., hoặc viên alkaloid 2mg, mỗi lần uống 1 viên, ngày 2-3 lần. Ở Ấn độ đã biết dùng bột rễ ba gạc hoa đỏ để chữa bệnh cao áp huyết từ lâu đời cho đến nay vẫn còn được coi là vị thuốc quan trọng, mỗi ngày dùng 200-400mg bột uống với nước.

6-Trà thảo quyết minh chữa và ngừa cao áp huyết, nhức đau đầu:

Hạt thảo quyết minh sao vàng, 8g, giã đập, pha với nước sôi, uống như nước trà.

Phân tích công dụng của Hạt thảo quyết minh theo tây y

Tên khoa học Cassia tora L.còn gọi là muồng hòe, chứa anthraquinon, chrysophanol-1-beta-gentiobiosid, chrysophanic acid-9-anthron, có tác dụng hạ áp huyết do giãn mạch tạm thời, tác dụng an thần theo dõi điện não đồ thấy tăng thành phần sóng chậm, giảm các sóng nhanh, giảm hoạt hóa đối với tế bào thần kinh của thể lưới và vỏ não, tác dụng nhuận trường do chất kaempferol-3- sophorosid, tác dụng kháng khuẩn ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da, hạ lipid-máu, cholesterol và ức chế kết tập tiểu cầu do chất triglycerid, làm thu teo tuyến ức, tăng nhóm chất SH trong gan giúp giải độc arsen. Loại sao cháy có tác dụng hạ áp huyết và an thần mạnh hơn loại sao vàng, nhưng sao vàng có tác dụng nhuận trường và tẩy độc mạnh nhất.

Phân tích theo đông y:

Thảo quyết minh tươi có vị nhạt hơi đắng, đem sao có vị đắng, ngọt, hơi mặn, tính mát, vào các kinh can thận, có tác dụng thanh can hỏa, tán phong nhiệt, minh mục, nhuận trường, lợi thủy, thông tiện, dùng để chữa viêm màng kết mạc cấp tính, võng mạc, quáng gà, cao áp huyết, đau đầu, mất ngủ, táo bón kinh niên, nấm ngoài da, chàm ở trẻ em. Về mùa hè, người Trung quốc có tập quán uống Thảo quyết minh thay trà để phòng say nắng.

Chống chỉ định :

Không dùng Thảo quyết minh trong trường hợp bị tiêu chảy.

7-Trà thảo quyết minh, Mạch môn, chữa cao áp huyết, tim hồi hộp, khó ngủ, ngủ mê :

  • Hạt Thảo quyết minh 20g,
  • Mạch môn 15g,
  • Tâm sen sao 6g. Sắc nước uống.

Phân tích công dụng của Mạch môn theo tây y:

Tên khoa học Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker.- Gawl. Tên khác là Mạch môn đông, tóc tiên, có 5 loại glucoside tác dụng hạ đường huyết, chống viêm cấp tính và mãn tính, gây teo tuyến ức, ức chế tương đối khá trên phế cầu, tụ cầu vàng.

Phân tích theo đông y :

Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chữa ho khan, viêm họng, lao phổi nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, cầm máu như máu cam, thổ huyết, làm mát tim, thanh nhiệt, chữa khó ngủ, lợi tiểu, thiếu sữa, điều hòa nhịp tim, táo bón, lở ngứa, bệnh gan, thận và ruột.

Phân tích công dụng của Tâm sen theo tây y :

Sen có tên khác là liên, tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn. Tâm sen có chất liensinin làm hạ áp huyết và một loại alkaloid khác không kết tinh chuyển liensinin dưới dạng amoni bậc 4 có tác dụng hạ áp huyết kéo dài lâu hơn, chống kích động loạn thần kinh gây hung dữ tương đương với amineazin trong điều trị tâm thần phân liệt mà không có độc tố như thuốc amineazin, tâm sen cũng có tác dụng an thần nhưng yếu hơn tác dụng của lá sen.

Nhị sen có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.

Phân tích theo đông y :

Tâm sen gọi là liên tâm, có vị đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, có tác dụng thanh tâm hỏa, điều nhiệt, chữa tâm phiền muộn người hâm hấp khó chịu, ít ngủ, khát, thổ huyết.

8- Nước sắc thiên ma phòng và chữa tai biến mạch máu não:

Dùng Thiên ma 9g, thạch quyết minh 30g, sắc nước uống.

Phân tích công dụng của Thiên ma theo tây y:

Tên khoa học Gastrodia elata Blume, chứa gastrodin, vanilyl alcohol, polysaccharide có tác dụng trấn tĩnh làm buồn ngủ, không còn căng thẳng lo âu, ức chế hưng phấn thần kinh trung ương, kháng co giật gây ra bởi thuốc pentylentetrazol, hay co giật động kinh, nhưng không có tác dụng với sự co giật do strychnine, hiệu lực chữa co giật động kinh của thiên ma kém hơn thuốc diazepam nhưng không có tác dụng phụ. Có tác dụng giảm đau (kém morphin), chống viêm, tăng cường miễn dịch, giảm nhịp tim nhưng không ảnh hưởng đến biên độ co bóp của tim, làm tăng cường sức chịu đựng của cơ thể trong hoàn cảnh môi trường thiếu oxy, làm hô hấp chậm lại, làm co bóp cơ trơn đường ruột, tăng tiết mật.

Phân tích theo đông y:

Thiên ma vị ngọt, tính bình, vào kinh can và bàng quang có tác dụng trừ phong, giảm đau co thắt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, tê dại tay chân, động kinh, bán thân bất toại, phát âm khó khăn do tai biến mạch máu não.

9-Trà hoa hòe, hạt muồng chữa cao áp huyết, cholesterol, nhức đầu choáng váng, tê ngón tay, mất ngủ:

Nụ hoa hòe sao vàng, hạt muồng hòe ( thảo quyết minh ) sao vàng, hai vị bằng nhau, xay tán thành bột.

Mỗi lần dùng 10-20g, sắc nấu nước uống như trà, ngày 2 lần.

Phân tích công dụng của Hoa hòe theo tây y:

Tên khoa học Stypnolobium japonicum (L.) Schott, chứa rutin và quercetin có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giảm tính thẩm thấu của mao mạch, phục hồi tính đàn hồi của mao mạch đã bị tổn thương, làm giảm hiện tượng oxy hóa adrenalin, tăng trương lực tĩnh mạch làm giãn và bền vách thành mạch, chống viêm phù, giúp cơ thể chống chiếu xạ, hạ áp huyết, cholesterol trong máu, phòng ngừa xơ vữa động mạch, chống kết tập tiểu cầu.

Phân tích theo đông y:

Hoa hòe có vị đắng tính mát, vào 2 kinh can, đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, cầm máu do vỡ mạch máu ở não, mắt, mạch vành, viêm thận, trĩ ra máu, đại tiểu tiện ra máu, máu cam, nôn ra máu, cao áp huyết.

10-Trà câu đằng chữa cao áp huyết, đau đầu, trúng phong, chóng mặt, kinh giật:

Câu đằng thường dùng là cành gọi là dây câu đằng, thái nhỏ, sắc nấu, có thể dùng dạng bột từ 4-9g sắc nước cho đến khi sôi là được, uống như trà, không cần nấu kỹ.

Phân tích công dụng của Câu đằng theo tây y:

Tên khoa học Uncaria spp. Chứa alkaloid thành phần chính là rhynchophyllin làm hạ áp huyết có liên quan đến hệ thần kinh trung ương, làm giãn thần kinh ngoại vi, làm lượng máu từ tim đẩy ra giảm, chống rối loạn nhịp tim.

Phân tích theo đông y:

Câu đằng có vị ngọt, tính mát, vào các kinh tâm can, có tác dụng thanh nhiệt, bình can, tức phong, an định thần kinh, chữa kinh giật ở trẻ em, người lớn bị đau đầu chóng mặt, cao áp huyết, trúng phong. Nếu nấu chung với các vị khác thì nấu các vị khác gần được mới cho câu đằng vào sau sôi lên là được.

11-Trà lá dâu ( tang diệp)

Dùng 4-12g lá dâu khô nấu uống như nước giải khát mỗi ngày.

Phân tích công dụng của Tang diệp (Lá dâu ) theo tây y:

Là lá cây dâu tằm, tên khoa học Morus acidosa Griff. Lá chứa tinh dầu, các acid 26%,phenol 28%, carbonyl 11%, các base, các phân đoạn trung tính khoảng 32% chứa isobutanol, acetophenol, các flavonoid, vit.B,C,D..Lá có tác dụng giảm áp huyết, làm giãn mạch.

Phân tích theo đông y :

Lá dâu vị đắng ngọt, tính lạnh dùng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, sáng mắt, chữa cảm mạo, phong nhiệt, sốt nóng, ho, viêm họng, đau răng, nhức đầu, đỏ mắt, chảy nước mắt, cao áp huyết, mất ngủ.

12-Trà câu đằng, cúc hoa, hạ khô thảo chữa cao áp huyết do thần kinh trung ương làm rối loạn nhịp tim, co thắt thần kinh ngoại vi.

  • Câu đằng 12g,
  • Tang diệp, Cúc hoa, Hạ khô thảo, mỗi thứ 9g.

Sắc nước uống như trà.

Phân tích công dụng của Cúc hoa theo tây y :

Có hai loại :

Cúc hoa trắng tên khoa học Chrysanthemum morifolium Ram. ,chứa tinh dầu, flavonoid, acid phenol, sesquiterpen, acid elagic có tính ức chế mạnh aldose reductase làm giảm áp huyết giai đoạn 1 và tăng tiết niệu, tính kháng khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tràng cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn..

Cúc hoa vàng tên khoa học Chrysanthemum indicum L. còn gọi là kim cúc, chứa carotenoid (chrysanthemoxanthin ), tinh dầu có tính kháng khuẩn mạnh, sesquiterpen, flavonoid, acid amine, arteglasin A..

Phân tích theo đông y :

Cúc hoa trắng có vị ngọt, đắng , tính hơi hàn, vào 3 kinh phế, can, thận, có tác dụng chữa nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, hạ sốt, hạ áp huyết, bệnh viêm mủ ( uống trong đắp ngoài ), bệnh ngoài da.

Cúc hoa vàng có vị đắng cay, tính ôn, vào 3 kinh phế, can, thận, chữa cảm lạnh, sốt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau đỏ mắt, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, cao áp huyết, đinh độc, dùng rửa đắp mụn nhọt sưng đau, tiêu độc.

Phân tích công dụng của Hạ khô thảo theo tây y :

Tên khoa học Brunella vulgaris L. chứa alkaloid tan trong nước, muối KCl, tinh dầu camphor, glucoside đắng gồm prunelin có tác dụng chống HIV, chất tannin, chất béo, lipase, acid oleaolic . Có tác dụng hạ áp huyết, kích thích hô hấp, lợi tiểu, an thần.

Phân tích theo đông y :

Hạ khô thảo có vị đắng hơi cay, tính mát, có tác dụng thanh can hỏa chữa được sưng vú, lao hạch, tràng nhạc, bướu cổ, đau nhức mắt, chảy nước mắt, viêm tử cung, âm hộ, gan mật nhiệt, áp huyết cao, viêm thần kinh da, lở ngứa, mụn nhọt, hắc lào, vẩy nến, tiểu tiện không thông.

Chữa tràng nhạc, dùng 20g Hạ khô thảo sắc đặc uống trước khi ăn cơm 2 tiếng đồng hồ.

13-Trà hoa hòe, lá sen, cúc hoa chữa áp huyết cao, đau mắt, mắt khô.

  • Nụ hoa hòe 10g,
  • lá sen hoặc ngó sen 10g,
  • cúc hoa vàng 4g.

Sắc uống nước.

Phân tích công dụng của Cúc hoa vàng theo tây y :

Tên khoa học Chrysanthemum indicum L., tên khác là kim cúc, hoàng cúc, chứa Carotenoid (chrysanthemoxanthin ), tinh dầu, sesquiterpen, flavonoid, acid amine.. Hoạt tính của hoa vàng làm hạ áp huyết không bền vững nhưng làm tăng độ bền mao mạch ruột, ức chế phản xạ vận mạch, ức chế adrenalin, chống viêm, kháng khuẩn khá mạnh, chữa phong cảm hàn bị sốt rất có hiệu qủa, ức chế kết tập tiểu cầu gây bởi vi khuẩn như tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn coli, subtilis, mủ xanh.

Phân tích theo đông y :

Cúc hoa có vị đắng cay, tính ôn, vào 3 kinh phế, can, thận, có tác dụng trục phong nhiệt, phong thấp, giải độc, làm sáng mắt, dùng chữa cảm sốt, cảm lạnh, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, đỏ mắt, chảy nước mắt nhiều, mờ mắt, cao áp huyết, đinh độc, mụn nhọt sưng đau, uống lâu ngày lợi khí huyết, tăng tuyến nội tiết làm trẻ lâu, dùng ngoài đắp mụn nhọt, mắt bị thoái hóa hoàng điểm. Uống hoa cúc từ 1-2 tháng, các triệu chứng đau đầu, mất ngủ, sẽ hết, thị lực tăng từ từ, theo dõi những bệnh nhân thị lực kém 5/10, sau 6 năm thị lực ổn định bình thường.

14- Trà hoa đại, cúc vàng, giảm áp an thần, bảo vệ mao mạch, ngủ ngon :

  • Hoa đại khô 100g,
  • cúc vàng khô 50g thái nhỏ,
  • hoa hòe sao vàng 50g
  • quyết minh tử sao đen 50g,

tất cả tán thành bột chia thành gói 10g,

Mỗi ngày dùng 1-2 gói pha như trà .

Phân tích công dụng của Hoa đại theo tây y :

Tên khoa học Plumeria rubra L.var.acutifolia (Poir.)Bailey, tên khác là bông sứ, tinh dầu chiết cất từ hoa đại phân tích được 74 thành phần trong đó có linalool, phenylacetalldehyde, trans farnesol B. phenyl ethylalcol, geraniol, alpha terpineol, geranial..có tác dụng kháng khuẩn, hạ áp huyết, giảm sức co bóp cơ tim, nhuận trường, tẩy xổ, hạ sốt.

Phân tích theo đông y :

Hoa đại vị ngọt, tính bình có tác dụng tiêu đờm, trừ ho, thanh nhiệt, lương huyết, trừ thấp, chữa rối loạn mạch, làm hạ áp huyết nhanh và bền vững.

Phân tích công dụng của Hoa hòe theo tây y :

Tên khoa học Stypnolobium japonicum (L.) Schott, chứa rutin và quercetin có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giảm tính thẩm thấu của mao mạch, phục hồi tính đàn hồi của mao mạch đã bị tổn thương, làm giảm hiện tượng oxy hóa adrenalin, tăng trương lực tĩnh mạch làm giãn và bền vách thành mạch, chống viêm phù, giúp cơ thể chống chiếu xạ, hạ áp huyết, cholesterol trong máu phòng ngừa xơ vữa động mạch, chống kết tập tiểu cầu.

Phân tích theo đông y :

Hoa hòe có vị đắng tính mát, vào 2 kinh can, đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, cầm máu do vỡ mạch máu ở não, mắt, mạch vành, viêm thận, trĩ ra máu, đại tiểu tiện ra máu, máu cam, nôn ra máu, cao áp huyết.

15- Nước giải khát vỏ dưa hấu phòng và chữa cao áp huyết :

  • Vỏ dưa hấu 9-12g,
  • quyết minh tử 9g

sắc uống

Phân tích công dụng của Vỏ dưa hấu theo tây y :

Tên khoa học Citrullus lanatus (Thumb.)Matsum. et Nak.,chứa protein, mỡ, carbohydrate, vit,A, B1, B2, C, niacin, Ca, Fe, Mg, P. Thịt qủa dưa hấu có tác dụng thúc đẩy sự hình thành uré ở gan nên có tác dụng lợi tiểu, chất cucurbocitrin trong hạt làm hạ áp huyết và chữa viêm bàng quang cấp tính.

Phân tích theo đông y :

Dưa hấu vị ngọt, tính hàn, vào kinh tâm, vị, bàng quang, thanh nhiệt, giải thử, trừ phiền khát, lợi tiểu tiện, chữa đái buốt, đái dắt, phù thủng, vàng da, viêm thận, tiểu đường. Quả non dùng làm rau ăn.

Vỏ qủa dưa vị ngọt, tính mát có tác dụng thanh thử, giải nhiệt, chỉ khát, lợi tiểu.

Hạt dưa có vị ngọt, tính bình có tác dụng thanh phế, nhuận trường, hòa trung chỉ khát.

Chống chỉ định :

Người trúng hàn, thấp thịnh không dùng được.

16-Trà Hạ khô thảo chữa cao áp huyết đơn thuần :

Dùng Hạ khô thảo 40g rửa sạch thái nhỏ. Nấu nước uống như trà sau bữa cơm.

Uống mỗi đợt 10 ngày liên tục rồi nghỉ 1 tuần mới uống đợt sau, uống nhiều đợt cho đến khi khỏi bệnh.

Phân tích công dụng của Hạ khô thảo theo tây y :

Tên khoa học Brunella vulgaris L. chứa alkaloid tan trong nước, muối KCl, tinh dầu camphor, glucoside đắng gồm prunelin có tác dụng chống HIV, chất tannin, chất béo, lipase, acid oleaolic. Có tác dụng hạ áp huyết, kích thích hô hấp, lợi tiểu, an thần.

Phân tích theo đông y :

Hạ khô thảo có vị đắng hơi cay, tính mát, có tác dụng thanh can hỏa chữa được sưng vú, lao hạch, tràng nhạc, bướu cổ, đau nhức mắt, chảy nước mắt, viêm tử cung, âm hộ, gan mật nhiệt, áp huyết cao, viêm thần kinh da, lở ngứa, mụn nhọt, hắc lào, vẩy nến, tiểu tiện không thông.

Chữa tràng nhạc, dùng 20g Hạ khô thảo sắc đặc uống trước khi ăn cơm 2 tiếng đồng hồ.

17- Nước sắc chuối tiêu chữa cao áp huyết :

Vỏ và cuống qủa chuối tiêu 30-60g sắc uống, dùng nhiều lần .

Phân tích công dụng của Chuối tiêu theo tây y :

Tên khoa học Musa sapientum L., chứa thành phần chính là carbohydrate, qủa xanh nhiều tinh bột, khi chín tinh bột chuyển thành đường sucrose, glucose, fructose, albumin, globulin, các acid amine cấu tạo protein, dầu béo, các nguyên tố Ca, Fe, K, Mg, Na, P, có ít Al, I, Zn, Co, As, các vit.C, Carotene, thiamin, riboflavin, niacin, acid pentothenic, pyridoxine, biotin, inositol, folic.

Một phần các acid trên sẽ mất khi nấu chín. Bột chuối tiêu có tác dụng chống loét bao tử, cồn methanol của chuối có tính kháng khuẩn.

Phân tích theo đông y :

Chuối tiêu chín vị ngọt, tính rất lạnh, dùng thanh nhiệt, chỉ khát, nhuận phế, nhuận trường, giải độc. Qủa xanh chữa tiêu chảy, kiết lỵ.

Vỏ chuối chín vị ngọt chát, tính ôn, sát trùng cầm tiêu chảy, kiết lỵ. Vỏ xanh diệt nấm, làm se da.

18-Nước sắc hoa hướng dương

Dùng 30-90g cụm hoa hướng dương sắc nước uống thay trà.

Chữa cao áp huyết, đau đầu, choáng váng, ù tai, giảm các cơn đau

Phân tích công dụng của Hoa hướng dương theo tây y :

Tên khoa học Helianthus annuus L. Hoa chứa beta carotene,cryptoxanthin,taraxanthin, lutein, quercimeritrin, đế hoa chứa nhiều pectin, có mùi thơm nhẹ dễ chịu , có tác dụng giãn mạch, hạ áp huyết, kích thích hô hấp, tăng cường co bóp ruột dùng trong trường hợp liệt ruột, hạ sốt.

Phân tích theo đông y :

Hướng dương có vị ngọt dịu, tính bình, cụm hoa trị bệnh cao áp huyết, đau đầu, choáng váng, ù tai, giảm các cơn đau răng, gan, bụng, kinh nguyệt, xương khớp, viêm vú.

19-Nước râu bắp chữa cao áp huyết, viêm gan mật, bí tiểu, xuất huyết nội tạng.

Dùng 30g râu bắp với 300cc nước sắc cạn còn 100cc, uống 1 lần mỗi ngày

Phân tích công dụng của Râu bắp theo tây y :

Tên khoa học Zea mays L., tên khác là bắp. Râu bắp chứa chất béo, tinh dầu, chất keo. chất nhựa, glucoside đắng, saponin, cryptoxanthin, Vit. C, K, sitosterol, stigmasterol, acid hữu cơ, anthocyan. Có tác dụng lợi tiểu, tăng thải trừ clorid, tăng tiết mật, làm giảm lượng bilirubin và tăng prothrombin trong máu. Râu ngô trong dạng chế phẩm ủ lên men có tác dụng hạ đường huyết.

Phân tích theo đông y :

Râu bắp và ruột bấc trong thân cây ngô có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh thận và bàng quang trị đái vàng rắt buốt, bí tiểu, viêm tiết niệu, tiểu ra máu, xuất huyết nội tạng, sạn trong gan, mật, thận, sạn niệu, bàng quang, phù thủng, làm hạ áp huyết, làm thông mật trong điều trị gan mật, sỏi mật, vàng da.

20- Nước mát hướng dương, râu bắp phòng và chữa cao áp huyết :

  • Cụm hoa hướng dương 60g,
  • râu bắp 30g,

sắc thêm đường uống.

21-Nước cỏ mần trầu chữa huyết áp cao :

Cả cây cỏ mần trầu 500g rửa sạch, băm nhỏ giã nát, thêm một bát nước lọc lấy nước cốt uống hoặc uống pha với ít đường. Uống ngày 2 lần.

Phân tích công dụng của Cỏ mần trầu theo tây y :

Tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn.f., tên khác là ngưu cân thảo, thanh tâm thảo, chứa flavonoid, glucopy ranosyl, sitosterol và dẫn chất palmitoyl chữa áp huyết cao, sốt cao co giật, hôn mê, phong nhiệt ghẻ lở.

Phân tích theo đông y :

Cỏ mần trầu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, hạ sốt, cảm nắng, nóng xông lên đầu, giải độc làm mát gan, nổi mẩn đỏ, đái són, đái đỏ, làm ra mồ hôi, lợi tiểu.

22- Nước uống mã đề chữa cao áp huyết ở người già :

  • Trạch tả
  • ích mẫu,
  • hạt mã đề,
  • hạ khô thảo,
  • thảo quyết minh,
  • câu đằng,

mỗi vị 1 chỉ (4g) sắc nước uống.

Phân tích công dụng của trạch tả theo tây y :

Tên khoa học Alisma plantago-acquatica L. Thân rễ chứa tinh dầu, nhựa, protid, tinh bột, alismol, alisman Si, chữa các rối loạn ở gan giúp chuyển hóa mỡ, giảm uré và cholesterol trong máu, lợi tiểu, chống viêm, hạ áp huyết, ức chế trực khuẩn lao, chứa các alisol A,B,C monoacetat có tác dụng bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :

Trạch tả vị ngọt, tính hàn, vào hai kinh thận, bàng quang, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp để chữa bệnh thủy thủng, viêm thận, bể thận, tiểu khó, đái ra máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Phân tích công dụng của Ích mẫu theo tây y :

Tên khoa học Leonurus Artemisia (Lour.)S.Y.Hu, chứa alkaloid, flavonoid, glucoide, các acid béo, có tác dụng kích thích co bóp đối với tử cung, tác dụng ngừa thai, phục hồi co bóp tim và áp huyết trở lại bình thường, cải thiện tuần hoàn, chống kết tập tiểu cầu, kích thích trung khu hô hấp và biên độ hô hấp đều tăng, bài tiết nước tiểu, kháng nấm gây bệnh ngoài da.

Phân tích theo đông y :

Ích mẫu vị đắng cay, hơi hàn vào 2 kinh tâm, can, có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết điều kinh, khử ứ, tiêu thủng, chữa viêm thận. Qủa ích mẫu ( sung úy tử ) có tác dụng hoạt và bổ huyết, thanh can, minh mục.

Phân tích công dụng của Hạt mã đề theo tây y :

Tên khoa học Plantago major L., tên khác là xa tiền, chứa iridoid, acid phenolic, flavonoid, acid cinamic, acid p.coumaric, ferulic, cafeic, chlorogenic, carotene, Vit.K,C. Nước ép có tác dụng tiết dịch vị, chữa lao, ung thư, loét bao tử, tái sinh tế bào da, có hoạt chất plantagin làm tăng tiết niêm dịch phế quản và ống tiêu hóa, ức chế trung khu hô hấp làm cho thở sâu và chậm hơn, có tác dụng kháng khuẩn chống viêm mủ, bảo vệ gan bị tổn thuơng, chống ngộ độc nấm.

Lá có tác dụng lợi tiểu mạnh hơn, hạt mã đề thải trừ các chất điện giải trong nước tiểu, thúc đẩy sự bài xuất sỏi niệu, hạ sốt, hạ áp huyết, chất nhầy trong mã đề hạ đường huyết và cholesterol.

Hạt mã đề nhuận trường, kích thích chuyển động của nhu động ruột.

Phân tích theo đông y :

Lá mã đề có vị nhạt, tính mát. Hạt có vị ngọt nhạt, nhớt, tính mát, vào 4 kinh can, phế, thận, tiểu trường, có tác dụng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, thận, bàng quang, bí tiểu, tiểu ra máu, sỏi sạn, phù thủng, đau mắt sưng đỏ, chảy máu cam, ra mồ hôi, tiêu chảy, kiết lỵ, lá giã nát đắp mụn nhọt chóng lành.

Hạt mã đề ( 4-8g ) sắc uống chữa tiểu đường, khó tiêu, ho, và bệnh hiếm muộn ở nam nữ.

Chống chỉ định :

Người gìa thận suy kém hay tiểu đêm không nên dùng.

23-Trà đỗ trọng chữa chóng mặt, cao áp huyết do thận suy :

Dùng Đỗ trọng 5chỉ (20g) nấu nước uống như trà, chữa bệnh cao áp huyết mới phát.

Có thể mua trà gói đỗ trọng có bán sẵn.

Phân tích công dụng của Đỗ trọng theo tây y :

Tên khoa học Eucommia ulmoides Oliv.,chứa 2 nhóm chính là iridoid glycoside và lignan glycoside, còn có các acid khác. Vỏ thân đỗ trọng có tác dụng kháng khuẩn, chống phân bào, chống ung thư, giảm đau, chống viêm, an thần, nhuận trường, giảm áp huyết.

Phân tích theo đông y :

Vỏ thân đỗ trọng vị ngọt, hơi cay, tính ấm, tác dụng bổ gan thận, hạ áp huyết, mạnh gân xương, dưỡng huyết, an thai, ấm tử cung, chữa đau lưng chân gối, phong thấp tê phù, di tinh, liệt dương, thận hư tiểu đêm, bại liệt.

24-Nước uống câu đằng, đỗ trọng chữa bệnh cao áp huyết ở người già kèm theo đau lưng, thận yếu :

Câu đằng, thảo quyết minh 15g, ích mẫu, hạ khô thảo, 12g, đỗ trọng, 9g, hoàng cầm 6g. sắc nước uống.

Phân tích công dụng của Hoàng cầm theo tây y :

Tên khoa học Scutellaria baicalensis Georgi. Rễ chứa gồm 31 chất thuộc nhóm flavon và flavano, flavonoid, tannin,nhựa, glycoside,wogonin, skulcapflavon có tính kháng khuẩn trên các khuẩn gram dương, vi khuẩn ở miệng, kháng histamine, chữa viên gan virus B thấy DNA của virus viêm gan B giảm, nước sắc hoàng cầm ức chế mạnh aldose reductase mà nó đã gây tích lũy sorbitol trong tế bào làm đục thủy tinh thể ở mắt, cho nên hoàng cầm chữa biến chứng tiểu đường làm đục mắt có hiệu qủa.

Phân tích theo đông y :

Hoàng cầm vị đắng, tính lạnh, vào 5 kinh tâm, phế, can, đởm, đại trường, tác dụng thanh nhiệt, táo, thấp, cầm máu, an thai, chữa sốt cao, cảm mạo kéo dài, phế nhiệt ho, tiểu dắt, ung nhọt, ói ra máu, tiêu tiểu ra máu, máu cam, băng huyết, vàng da viêm gan virus, chống co giật múa vờn do rối loạn chức năng thần kinh trung ương, ngây dại, viêm cơ tim, thấp khớp.

25- Trà thuốc đỗ trọng, hoàng bá chữa cao áp do tim mạch :

  • Đỗ trọng 12g,
  • Hoàng bá 10g,
  • Quế,
  • Sa nhân,
  • Cam thảo ,

mỗi vị 6g.

Dùng 800cc nước đun sôi 20 phút uống như trà.

Phân tích công dụng của Hoàng bá theo tây y :

Tên khoa học Phellodendron amurense Rupr. chứa berberin,palmatin,jatrorrhizin,phellodendrin, magnoflorin, candicin, ocbacunon, hợp chất phenolic, phelamurin, flavon,limonoid, tinh dầu qủa chứa myrcen, geraniol, hạt chứa các limonoid. Có tác dụng kháng khuẩn yếu hơn

Hoàng liên, làm giảm số lượng vi khuẩn, kháng nấm gây bệnh ngoài da, kháng roi trùng âm đạo nhưng không mạnh, hạ áp huyết đồng thời làm tăng nhịp tim, làm long đờm, thúc đẩy sự phân tiết của tuyến tụy làm hạ đường huyết, bảo vệ tiểu cầu.

Phân tích theo đông y :

Hoàng bá có vị đắng, tính hàn, vào 2 kinh thận và bàng quang, để tả hỏa, thanh nhiệt, táo thấp, giải độc, dùng để chữa bệnh nhiệt lỵ, tiêu chảy, hoàng đản, đái đục, di mộng tinh, đái ra máu, trĩ máu, xích bạch đới, cốt chưng lao nhiệt, mắt sưng đỏ, loét miệng lưỡi, viêm âm đạo, sưng tinh hoàn, tiểu đường, viêm màng não, viêm lao phổi, viêm tai giữa có mủ, viêm xoang hàm mãn tính.

Hoàng bá phun nước muối sao vàng có tác dụng tư âm giáng hỏa.

Phân tích công dụng của Quế theo tây y :

Tên khoa học Cinnamomum cassia Blume. Vỏ thân cành gọi là quế chi, vỏ thân gọi là quế nhục có chứa tinh dầu aldehyde cinnamic, tannin, chất nhựa, chất đường, calci oxalate, chất nhầy, chất vô cơ, coumarin. Có tác dụng diệt khuẩn lao, tiêu chảy, siêu vi khuẩn, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh, nấm, Quế chi làm giãn mạch ngoại biên giúp giảm áp huyết, làm tăng lực co cơ mạch tim, chống huyết khối, chống viêm, ức chế sự phát triển của tế bào bạch cầu, chống đái tháo đường.

Phân tích theo đông y :

Quế vị ngọt cay, mùi thơm, tính rất nóng, tác dụng bổ tăng hỏa, hồi dương, ấm thận tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích. Dùng để cấp cứu chân tay hàn lạnh, mạch chậm nhỏ, hôn mê, đau bụng trúng thực, phong tê bại, tiêu hóa kém, tả lỵ, phù thủy thủng do bí tiểu tiện, kinh bế, rắn cắn, ung thư.

Phân tích công dụng của Sa nhân trắng theo tây y :

Tên khoa học Amomum villosum Lour., chứa tinh dầu gồm D.camphor, D.bornyl acetate, D.limonen, camphen, paramethoxy, trans-cinnamat, phellandren, pinen. Các nguyên tố vi lượng Zn, Cu, Co, Mn. Có tác dụng ức chế vi khuẩn, diệt amip, trị viêm loét bao tử, tá tràng.

Phân tích theo đông y :

Sa nhân trắng có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào 3 kinh thận, tỳ, vị, có tác dụng ôn trung, hành khí, cầm đau, an thai, khai vị, tiêu thực, kích thích tiêu hóa chữa tỳ vị khí trệ, đau bụng lạnh, tiêu chảy, nôn mửa, kiết lỵ hàn, điều kinh, hạ sốt ho cảm lạnh, dùng làm gia vị và chế rượu. Hạt sa nhân tán bột hoặc ngâm rượu chấm vào răng bị đau sẽ khỏi.

Chống chỉ định :

Người âm hư nội nhiệt không nên dùng.

Phân tích công dụng của cam thảo theo tây y :

Có hai loại mang tên khoa học Glycyrrhiza uralensis Fisch. và G. glabra L. Chứa 4-6% chất vô cơ carbohydrate ( glucose và saccharose ), 3-5% manitol, tinh bột 25-30%, lipid 0,5-1%, asparagin 2-4%, nhựa 5%, có độ ngọt gấp 60 lần saccharose, nếu phối hợp với mía độ ngọt có thể tăng gấp 100 lần. Glycyrhizin gồm có 2 phân tử acid glucuronic và 1 phân tử acid glycyrhetic cấu tạo gần giống như cortisone có nhiều đồng phân chữa được bệnh Addison, có tác dụng chuyển hóa các chất điện giải, giữ natri và clorid trong cơ thể làm tăng áp huyết, giúp sự bài tiết kali. Ở trong cây, glycyrhizin tồn tại ở dạng muối Ca và Mg. Cam thảo có tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm thể nhiệt, giảm hô hấp, giảm ho, giải co thắt cơ trơn, chữa loét đường tiêu hóa bao tử và ruột, bảo vệ gan khi bị viêm gan, tăng tiết mật, chống dị ứng, giải độc mạnh đối với độc tố của bạch cầu, của cá, của nọc rắn, của strychnine, của uốn ván, của cocain và clorat hydrate. Cam thảo dùng chung với cortisone làm giảm tác dụng của cortisone.

Phân tích theo đông y :

Rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình, để sống có tác dụng giải độc, tả hỏa, chích cam thảo loại tẩm mật sao vàng có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Riêng cam thảo chữa cảm ho, mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau bao tử, ỉa chảy, ngộ độc. Chích cam thảo bổ tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, thân thể mệt mỏi, kém ăn.

26-Nước qủa hồng xanh chữa cao áp huyết :

Qủa hồng xanh 30-40g giã nát thêm nước, gạn uống.

Qủa hồng chín vị ngọt, chứa đường, các khoáng chất, sinh tố C, dùng để ăn chín hoặc phơi khô làm thuốc. Nhưng qủa hồng hơi xanh, còn tươi thì tính hàn làm hạ áp huyết, cho nên người có áp huyết thấp, tiêu hóa kém, thân nhiệt lạnh không dùng được.

27- Phổ tai ( hải đới ) chữa cao áp huyết do nhiệt.

Phổ tai 8-12g rửa sạch, thái nhỏ, nấu nước uống, hay nấu chè phổ tai đậu xanh, để thanh nhiệt hạ áp, giải độc.

Phổ tai là loại hải tảo chứa nhiều iode, chất đạm, đường, chất béo, sắt, vôi.. có giá trị bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, tính hàn, làm tiêu chảy, làm lợi tiểu, chữa phù thủng, sưng chân do thủy thấp, bướu cổ, hóa nhiệt đàm, chữa tràng nhạc, sát trùng, thanh lý nhiệt và thức ăn tích tụ trong trường vị, thanh huyết, đổi máu.

Chống chỉ định :

Người gốc hàn, thân nhiệt thấp, thận suy hay tiểu nhiều không dùng được. Nếu cần dùng iode trong Phổ tai để chữa áp huyết cao do tuyến giáp, để tránh hàn, thay đậu xanh bằng đậu đen rang lên cho thơm rồi nấu cháo đậu đen phổ tai sẽ được an toàn hơn.

28-Nước sắc ngưu tất :

Dùng 12g ngưu tất sắc nước uống mỗi ngày.

Phân tích công dụng của Ngưu tất theo tây y :

Tên khoa học Achyranthes bidentala Blume, rễ ngưu tất chống viêm mạnh gấp 4 lần, ức chế miễn dịch mạnh gấp 8 lần rễ cỏ xước, làm giảm cholesterol toàn phần, hạ áp huyết từ từ kéo dài, chữa thấp khớp đau lưng cấp tính do lạnh, té ngã, viêm răng, niêm mạc miệng, giảm tỷ lệ beta, alpha lipoprotein máu tương đương với clofibrat, giảm áp huyết trung bình từ 180/100mmHg xuống 145/90 mmHg và làm ổn định áp huyết, tương đương với thuốc alpha methyl-dopa, giảm chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, acid oleanolic trong ngưu tất làm giảm sự thoái hóa và hoại tử tế bào gan, chống loét.

Phân tích theo đông y :

Ngưu tất có vị đắng chua, tính bình, không độc, vào hai kinh can thận. Dạng sống có tác dụng hành huyết, tán ứ, tiêu ung, lợi thấp, chữa cổ họng viêm sưng đau, amygdale, mụn nhọt, đái rát buốt, ra máu, sạn bàng quang, bế kinh, bụng dưới kết hòn cục, chấn thương, ứ máu bầm,đầu gối nhức mỏi. Dạng chín bổ gan, thận, cường gân tráng cốt, chữa ù tai, đau lưng, mỏi gối, chân tay co quắp bại liệt, hạ áp huyết.

Chống chỉ định :

Phụ nữ có thai, băng huyết không dùng được, nó có tác dụng kích thích tình dục, chữa liệt dương, tráng dương, làm sẩy thai.

29-Trà khổ qua :

Trà gói Khổ qua có bán sẵn ngoài thị trường, sau bữa cơm dùng một gói bỏ vào 1 ly nước sôi cho tan trong 10 phút mới uống.

Khổ qua hay mướp đắng có lợi cho người bị bệnh tiểu đường có thân nhiệt cao, người nóng, cổ khô khát, áp huyết cao, bệnh thuộc thực nhiệt. Người bị thực chứng khi dùng nó một thời gian thấy khoẻ, lượng đường và áp huyết ổn định thì ngưng, nếu uống tiếp bệnh trở thành hư chứng làm cơ thể suy nhược thêm. Khi áp huyết và đường trong máu xuống trung bình, hết bệnh thi phải ngưng, không nên lạm dụng uống mãi, sẽ lãm mất sức và yếu chân đi không vững.

30-Nước ép 5 loại rau qủa tươi :

  • Rau cần tây 2 bẹ lớn,
  • Dưa leo gọt vỏ 1/4 qủa,
  • Ớt xanh Đà lạt loại không cay, bỏ hột, 1/2 trái,
  • Mướp đắng bỏ hột 1/4 qủa,
  • Táo tây gọt vỏ 1 trái.

Tất cả bỏ vào máy xay ép lấy nước cốt uống ngay sau khi vừa ép xong. Uống mỗi ngày một lần vào lúc bụng đói có hiệu qủa hơn. Dùng để điều chỉnh áp huyết cao hay thấp.

31-Nước uống ngưu tất hạt muồng chữa cao áp, rối loạn tiền đình, mắt mờ, ù tai, thần kinh co rút đau, táo bón :

  • Ngưu tất,
  • hạt muồng

mỗi thứ 12g sắc uống.

32-Nước uống câu đằng, hà thủ ô chữa bệnh liệt thần kinh mặt số 7

  • Câu đằng 60g,
  • dây Hà thủ ô tươi 120g.

Sắc nước uống trong ngày.

Phân tích công dụng của Hà thủ ô đỏ theo tây y :

Tên khoa học Fallopia multiflora (Thumb.) Haraldson, có chứa lecithin tác dụng làm tan đường huyết, suy nhược thần kinh, sinh huyết dịch, giúp cải thiện chuyển hóa chung, chứa antraglucoside kích thích tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng, chống co thắt phế quản, chống viêm, có hợp chất stiben kháng khuẩn, nấm, gây hạ lipid huyết và cholesterol, dự phòng xơ mỡ động mạch.

Phân tích theo đông y :

Rễ Hà thủ ô đỏ có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm, bổ gan thận, bổ máu, ích tinh tủy, hòa khí huyết, mạnh gân cốt, chữa thận suy, gan yếu, mất ngủ, thiếu máu, đau lưng, khí hư, làm đen râu tóc.

Chống chỉ định :

Người có áp huyết thấp và đường thấp không dùng được hà thủ ô, kiêng hành tỏi, củ cải.

33-Nước Hy thiêm chữa liệt nửa người, miệng mắt méo, mất tiếng :

Lá và cành non Hy thiêm hái trước khi ra hoa sao vàngtán bột, ngày uống 4-6g sau bữa ăn.

Phân tích công dụng của Hy thiêm theo tây y :

Tên khoa học Siegesbeckia orientalis L., tên khác là cỏ chó đẻ hoa vàng, chứa daturosid, orientin, orientalid và 3,7-dimenthyl quercetin, có tác dụng hạ áp huyết, đường huyết, kháng siêu vi khuẩn gia cầm, chống viêm phù, an thần, ức chế miễn dịch, kháng histamine và acetylcholine, giảm co thắt cơ trơn ruột, giảm tỷ lệ gamma-globulin trong huyết thanh, giảm cả 3 chỉ số cholesterol máu cao, beta alpha lipoprotein máu và mức lipid toàn phần trong máu, chống viêm đa khớp.

Phân tích theo đông y :

Hy thiêm vị cay đắng, tính mát, vào 2 kinh can, thận, có tác dụng trừ phong, thấp, tê bại, hoạt huyết, giảm đau, lợi gân xương, trị đau lưng mỏi gối, khớp sưng đỏ đau nhức, mụn nhọt lở ngứa, kinh nguyệt không đều, làm liền vết sẹo trong nội ngoại thương. Có tác dụng phụ gây nôn nếu dùng tươi và nhiều.

34- Nước Sâm, Quy, cấp cứu chữa khi áp huyết bị tụt thấp, trụy tim mạch, mệt xỉu, khó thở, cơ thể suy nhược :

  • Cam thảo 12g,
  • Đương quy 10g,
  • Sâm Cao ly 8g.

Tất cả tán bột, mỗi lần uống 4g ngày 3 lần. Khi nguy cấp, sắc 100cc nước cho tan ngấm, thuốc uống một lần.

Phân tích công dụng của Cam thảo theo tây y :

Có hai loại mang tên khoa học Glycyrrhiza uralensis Fisch. và G. glabra L. Chứa 4-6% chất vô cơ carbohydrate ( glucose và saccharose ), 3-5% manitol, tinh bột 25-30%, lipid 0,5-1%, asparagin 2-4%, nhựa 5%, có độ ngọt gấp 60 lần saccharose, nếu phối hợp với mía độ ngọt có thể tăng gấp 100 lần. Glycyrhizin gồm có 2 phân tử acid glucuronic và 1 phân tử acid glycyrhetic cấu tạo gần giống như cortisone có nhiều đồng phân chữa được bệnh Addison, có tác dụng chuyển hóa các chất điện giải, giữ natri và clorid trong cơ thể làm tăng áp huyết, giúp sự bài tiết kali. Ở trong cây, glycyrhizin tồn tại ở dạng muối Ca và Mg. Cam thảo có tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm thể nhiệt, giảm hô hấp, giảm ho, giải co thắt cơ trơn, chữa loét đường tiêu hóa bao tử và ruột, bảo vệ gan khi bị viêm gan, tăng tiết mật, chống dị ứng, giải độc mạnh đối với độc tố của bạch cầu, của cá, của nọc rắn, của strychnine, của uốn ván, của cocain và clorat hydrat. Cam thảo dùng chung với cortisone làm giảm tác dụng của cortisone.

Phân tích theo đông y :

Rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình, để sống có tác dụng giải độc, tả hỏa, chích cam thảo loại tẩm mật sao vàng có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Riêng cam thảo chữa cảm ho, mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau bao tử, ỉa chảy, ngộ độc. Chích cam thảo bổ tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, thân thể mệt mỏi, kém ăn.

Phân tích công dụng của đương quy theo tây y :

Tên khoa học Angelica spp. chứa tinh dầu có các hợp chất terpen, phenolic, các chất dẫn phtalid, coumarin, acid hữu cơ vanilic, palmitic, linoleic, nicotimic, sucinic, polysaccharide, các acid amine, vit.B1,B12,E, các nguyên tố Mg, Ca, Al, Cr, Cu, Zn, As, Pb, Cd, Hg, P, Fe, Si, Ni, V, brefedin..Đương quy được phân thành 4 loại : Quy đầu gồm phần đầu của rễ chính, đầu tù và tròn còn mang vết tích của lá. Quy thân là rễ đã loại bỏ phần đầu và đuôi.

Quy vĩ là phần rễ phụ hay nhánh. Toàn đương quy gồm cả rễ cái và rễ phụ.

Đương quy có tác dụng ức chế sự co thắt cơ trơn ruột, chống thiếu máu ác tính, ức chế trực khuẩn dịch hạch, thương hàn, phế cầu khuẩn, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, có khả năng bảo vệ hệ thống miễn dịch làm tăng lượng tế bào lympho T và phục hồi tái tạo hồng cầu, tăng sức đề kháng, ức chế sự giảm tỷ lệ huyết sắc tố, có khả năng điều trị huyết khối não viêm tắc, tăng cường tuần hoàn não bị ứ máu, chống loạn nhịp tim, tăng hoạt tính thực bào. Rễ đương quy có 2 thành phần : một thành phần không có tinh dầu kích thích tử cung làm tăng lượng AND, tăng lượng tiêu thụ oxy của gan, và tăng năng lượng sử dụng glucose của tử cung, một thành phần có tinh dầu khác ức chế tử cung.

Phân tích theo đông y :

Đương quy có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, có mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều thông kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận trường, dùng để chữa bệnh phụ nữ, dùng làm thuốc bổ chữa bệnh thiếu máu xanh xao, đau đầu, cơ thể gầy yếu, suy tim, mệt mỏi, đau lưng, ngực, bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại liệt, táo bón, mụn lở ngứa, ứ huyết, kinh nguyệt không đều,đau bụng kinh, sa tử cung, chảy máu, làm thuốc giảm đau chống co giật trong bệnh ung thư.

Phân tích công dụng của Sâm cao ly theo tây y :

Tên khoa học Panax ginseng C.A. Mey., tên khác là Nhân Sâm, chứa các saponin triterpen như ginsenosid Rc, Rg1 và Ro giúp hưng phấn của vỏ đại não, tăng cường ức chế, cải thiện hệ thần kinh,tăng cường thể lực, trí lực, có tác dụng ức chế phản xạ có điều kiện của morphin và ethanol, nhân sâm dùng dài ngày phòng ngừa được phản ứng gây sốt do tiêm vaccin gây ra, dịch chiết nhân sâm làm tăng cao hàm lượng adrenocorticotropic hormone (ACTH) và corticosteron. Các ginsenoid có tác dụng trên hệ nội tiết, ức chế rõ rệt những thay đổi về trọng lượng của tuyến thượng thận, tuyến ức, lách, và tuyến giáp trạng trong qúa trình phản ứng kích thích, kích thích tuyến yên phân tiết hormone sinh tinh, kháng lợi niệu, chuyển hóa đường khi thử nghiệm tiêm adrenalin hay dung dịch glucose vào thỏ rồi tiêm dịch nhân sâm thấy đường huyết hạ, nhưng không thể thay thế dược insulin giải quyết được rối loạn chuyển hóa đường và không ngăn ngừa được bệnh tái sinh, làm giảm rối loạn nhịp tim, có tác dụng giãn mạch làm hạ áp huyết và ức chế sự thu nạp Ca+ trong màng cơ tim, có tác dụng thúc đẩy qúa trình tồng hợp acid nucleic, protein trong tế bào gan, tinh hoàn, tủy xương, và tổng hợp albumin huyết thanh.

Phân tích theo đông y :

Nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào các kinh tỳ, phế, tâm, có tác dụng bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, sinh tân, an thần kinh, bổ tỳ ích phế, bổ ngũ tạng, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích trí, chữa bệnh tim mạch, tiểu đường, đoản khí, tâm hồi hộp, hư lao.

35-Nhai hạt liên kiều để hạ áp huyết và giải độc thần kinh :

Dùng 20-30 hạt liên kiều khô, bỏ vào miệng nhai nhuyễn cho thấm tan hết trong cổ họng không cần uống nước , sẽ cảm thấy đầu óc nhẹ và tỉnh táo. Kiểm tra áp huyết trước khi và sau khi dùng sẽ thấy khác.

Hoặc dùng 30g sắc với 500cc nước cạn còn 150cc, chia uống 3 lần trong ngày.

Có thể mua liên kiều ở tiệm thuốc bắc, dùng máy xay (tiêu, cà phê), xay nhuyễn bỏ vào lọ nhỏ đem theo trong người khi đi xa phòng khi dùng đến.

Phân tích công dụng của Hạt liên kiều theo tây y :

Tên khoa học Forsythia suspensa (Thumb.) Vahl, chứa nhiều chất thuộc nhóm lignan, các phenolglycoside là forsythosid A,C,D,E,BF, rutin, alcohol trong hạt như rengyol, các rengyosid A,B,C, cafeoylglycoside, tinh dầu, acid oleanolic và ursolic.Có tác dụng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của virus cúm, kháng nấm gây bệnh ngoài da, chống viêm, hạ sốt, chống nôn tương đương với thuốc chlorpromazin, lợi tiểu, làm cường tim nhẹ, ức chế men cAMP phosphodiesterase, ức chế sưng phù chân do avalbumin gây ra.

Phân tích theo đông y :

Liên kiều vị đắng tính mát, vào các kinh tâm ,can, đởm, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc thần kinh, tán kết, tiêu thủng, dùng chữa các bệnh phong nhiệt, cảm sốt, họng sưng đau, mụn nhọt, phát ban, mẩn ngứa, mề đay, tràng nhạc, lao viêm thận cấp, tiểu khó, phòng vệ mao mạch khỏi vỡ trong bệnh cao áp huyết do viêm phù thận.

36-Rượu củ nâu chữa liệt xụi nửa người:

Củ nâu 60g ngâm 500cc rượu trắng trong 5 ngày, chắt lấy nước uống 15-30cc trước khi đi ngủ.

Phân tích công dụng của Củ nâu theo đông tây y :

Tên khoa học Dioscorea cirrhosa Lour. chứa tannin dương catechin và tanin âm epicatechin nhiều hơn, tinh bột, các chất mầu dimeric trimeric và tetrameric procyanidin. Củ nâu có vị ngọt chát hơi chua, tính bình, không độc, vào kinh trường vị, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, làm se da non, sát trùng, chống tích tụ, chữa tiêu chảy, kiết lỵ, các chứng tích tụ hòn cục trong bụng, xích bạch đới, băng huyết, chảy máu tử cung, ho ra máu, thổ huyết, đái ra máu.

37- Bột bồ kết, bạc hà chữa trúng phong cấm khẩu hôn mê bất tỉnh :

  • Qủa bồ kết,
  • Bạc hà,

2 vị bằng nhau tán thành bột mịn, thổi vào mũi khiến bệnh nhân hắt hơi tỉnh lại.

38-Cây óc chó và Hẹ chữa bệnh hở van tim và ngừa nhồi máu cơ tim.

Dùng 9 đọt, cho 1/2 ly nước, giã vắt lấy nước. 1 bó lá hẹ tươi chừng 1 nắm tay, cho 1/2 ly nước, giã vắt lấy nước.

Hai ly để riêng, đem phơi sương lúc buổi tối. 12 giờ đêm đem vào, uống từng ly, mỗi ly cách nhau 30 phút, uống ly nào trước cũng được.

Mỗi tuần uống hai đêm liên tiếp, tuần thứ hai cũng uống đúng như 2 ngày tuần trước.

Ở Việt Nam, vùng quê, ngoài bờ rào, bờ ruộng, có một loại cây mọc hoang, ngừời miền Bắc gọi là cây sung dại, người miền Nam gọi là cây ổi dại. Vi trái của nó nhỏ bằng trái trứng cá, hình giống qủa ổ nhỏ mới mọc, nhưng bên trong ruột mền, chứa những hạt nhỏ như ruột qủa sung. Lá của nó có ba loại khác nhau mọc trên cùng một cành, nếu tính theo chiều dài 1 gang tay đo từ trên ngọn xuống khoảng 20cm, gọi là 1 đọt, cùng 1 đọt có 3 loại lá, lá trên cùng là lá ổi, lá giữa to hơn chia hai phần, nửa bên hình lá ổi, nửa bên hình lá đu đủ, lá dưới to hơn nữa là lá đu đủ nhỏ. Bài thuốc này do cố Bác sĩ Lương hoàng Phấn gọi tên nó là cây óc chó, học được từ Tây Tạng, truyền lại cho tôi từ lâu mà chưa có dịp áp dụng. Bất ngờ, tôi có một bệnh nhân bị bệnh hở van tim nặng, bà ta người qúa mập, có dấu hiệu hở van tim hiện trên mặt như, phù hai bên má, môi dầy hơn bình thường, môi dưới xệ, hai môi không thể khép kín được, mầu môi và 10 đầu ngón tay bầm tím như nhuộm chàm, mệt, đi lại khó khăn, làm một tí gì cũng mệt và thở dốc. Đã và đang dùng thuốc tây y, lúc nào cũng phải dùng Coramine để trợ tim.

Tôi nói người nhà đi vùng Hóc Môn tìm cây óc chó, họ chặt một cành đem về, tôi bảo họ ngắt lấy 9 đọt (mỗi đọt là 1 gang tay, tính từ ngọn đo xuống) .

Cách uống như lời dặn trên, bệnh nhân khi uống lần thứ nhất, sáng hôm sau tôi đến thấy khuôn mặt nhỏ lại, môi nhỏ lại, hết mầu tím bầm, bàn tay cũng hết tím, bệnh nhân ra đón tôi ngoài cửa mừng rỡ, ăn nói to tiếng hơn. Bà ta uống hai lần đã khỏi, bà hỏi tôi có thể uống tiếp tuần thứ hai nữa không, sau khi bắt mạch tim, tôi đồng ý để bà uống tiếp. Sau 4 lần uống, bà đã đi làm trở lại bình thường.

Cây óc chó chỉ ở Việt Nam mới có, chưa biết tên khoa học và thành phần dược tính, nhưng là thuốc kinh nghiệm nhân gian lại truyền từ Tây Tạng, có nghĩa là y học cổ truyền Tây Tạng đã biết áp dụng từ lâu. Xin cảm ơn người bạn qúa cố, bác sĩ Lương Hoàng Phấn