Kính thưa Thầy!
Hôm nay con xin phép Thầy dậy và hướng dẫn con cách phân tích lý luận về các chỉ số đo bằng máy đo huyết áp cho bệnh nhân tiểu đường năm nay 78 tuổi ;
Mổ mắt cách nay 4 năm ( Hiện nay không nhìn thấy gì);
Thận yếu hay đi tiểu đêm;
10 đầu ngón chân và tay chân tê
Hai đầu gối sưng to: Ngồi xuống, đứng lên, đi lại khó khăn
Ho khan mất tiếng
Mất ngủ, Trí nhớ kém
Hàm lượng đường trong máu đo lúc sáng nay chưa ăn là 12mmol/l
21/4/10 Đo áp huyết :
Lúc đói : Tay trái : 176/95mmHg/86, tay phải : 153/81mmHg/79
Lúc no : Tay trái :135/46mmHg/99, tay phải : 146/74mmHg/95
Con có nói với Bà cụ rằng có một Ông Tiên râu tóc bạc phơ Đức độ, Trí tuệ hơn người, luôn rang rộng vòng tay cứu giúp con người trên thế gian này tên là Đỗ Đức Ngọc , ở tận Canada sẽ giúp bà sớm phục hồi sức khỏe. Bà cụ mừng rớm lệ, suốt đêm không ngủ đấy Thầy ạ.
Con tạm dừng bút tại đây.
Kính chúc Thầy sức khỏe!
Kính thư
Con
Bùi Thăng Long
Lúc đói, khí trong bao tử đã cao và đã có nhiệt, Tay trái : 176/95mmHg/86, như vậy bệnh cao áp huyết do vị nhiệt, ăn không tiêu. Sau khi ăn khí bao tử hạ, lại tăng nhiệt, Tay trái : 135/46mmHg/99, vì không đủ men tiêu hóa, khiến gan tăng nhiệt theo (99), nhưng khí lực của gan yếu không chuyền sang cho bao tử được. Theo đông y thuộc chứng can hư, vị âm hư, (âm hư nội nhiệt) gồm hai chứng nhập lại :
Chứng can hư (chứng số 316, trong Sách Triệu Chứng Lâm Sàng Học) :
Thị lực giảm do không đủ máu nuôi mắt, gân giãn tay chân yếu, sa xệ trường vị, tử cung dây chằng, sinh dục giảm, nghẹt cứng dưới tim, tiểu nhiều lần do cơ vòng yếu, bụng căng sình, ù tai, thính lực giảm, hoa mắt, choáng váng, tê dại, móng chân tay khô, cảm thấy sợ như có ai bắt, huyết áp giảm. Can hư mãn tính làm ra chứng can cực gây nên co giật run.
Chứng vị âm hư : (245)
Tỳ có thấp nhiệt làm tổn thương âm chất do vị hỏa thịnh làm vị âm bất túc gọi là vị âm hư khiến môi miệng khô ráo, ăn không biết ngon hoặc đói bụng mà không muốn ăn, oẹ khan và nấc, đại tiện táo, tiểu sẻn, có sốt nhẹ, giữa lưỡi đỏ khô, rêu ít, do bệnh nhiễm trùng, sốt làm tổn thương tân dịch sinh ra vị khí yếu, thường gặp ở bệnh viêm phổi, viêm dạ dầy mạn tính, rối loạn tiêu hoá, bệnh tiểu đường.
Nguyên bệnh này do ăn nhiều mà thiếu vận động, chân tay lạnh, ưa ăn thức ăn hàn lạnh, thức ăn không chuyển hóa được, do đó nồng độ trong máu cao là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường.
Vì thiếu khí, thiếu vận động, máu không lên nuôi mắt, thiếu dương khí, lại uống nước nhiều tăng âm nên thận yếu đi tiểu nhiều, đầu gối sưng và tê chân cũng do uống nhiều nước mà thận dương suy không chuyển hóa được, nên ho khan, kém trí nhớ, và mất ngủ do áp huyết cao.
Chữa theo Tinh-Khí-Thần:
Tinh:
Nên ăn ít một, ăn thức ăn dễ tiêu, không ăn chất hàn lạnh hay chất cay nóng, nhiều đường như chè.
Nấu canh phổi heo với rau răm, hoặc canh phổi heo với 1/2 qủa la hán, hoặc canh cải xoong thịt bò để bổ phổi. Khi phổi mạnh hết ho, hết khô miệng, đủ năng lượng nuôi con là thận. Chữa phổi vừa chữa được thận, vừa chữa được tỳ-vị theo nguyên tắc bổ con dưỡng mẹ.
Ra tiệm thuốc bắc mua thuốc viên Minh Mục Địa Hoàng Hoàn (Ming Mu Di Huang wan), mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 viên, công dụng trị mắt khô, quáng gà, thị lực kém, áp huyết cao âm hư hỏa vượng, biến chứng của tiểu đường, bổ thận âm.
Dùng 10 hoa cúc khô nấu 2 lít nước mỗi ngày, cạn còn 1 lít, uống thay trà, xác hoa đắp lên mắt. làm hạ áp huyết, hạ đường.
Thỉnh thoảng có thể nấu hoa cúc pha với 1 thìa Kỷ Tử, làm sáng mắt, chống mệt mỏi.
Sáng uống sữa Hạnh Nhân chữa bệnh tiểu đường. Mua 1 gói hay 100g Hạnh Nhân Bắc (mầu hơi vàng, cứng, đắng) và 100g Hạnh Nhân Nam (mầu trắng, mền, không đắng). hai thứ trộn chung, bỏ vào máy xay cà phê xay thành bột nhuyễn, cất vào lọ. Mỗi sáng lấy 2 muổng nhỏ, pha với 1 ly nước nóng khuấy đều, uống như sữa. Hãy cẩn thận, khi thử đường buổi sáng ở trong khoảng 6.0-8.3mmol/l là bình thường (theo tiêu chuẩn của hãng thuốc Contour) thì không cần uống, chỉ uống sữa hạnh nhân khi nào đo đường cao hơn 8.3 mmol/l trước khi ăn, bụng đói mới đúng, chứ không phải lúc nào cũng uống.
Cũng cẩn thận khi dùng thuốc hạ áp huyết, phải đo áp huyết mỗi ngày, nếu áp huyết ổn định khoảng 130/85mmHg mạch 70-80, thì đề nghị với bác sĩ cho giảm liều thuốc, nếu áp huyết xuống thấp hơn sẽ mệt, chân tay yếu sức, mất sức, dễ bị tê liệt bại xuội.
Khí: (Video bài tập khí công)
Tập 7 bài đầu khí công chữa thần kinh đầu mặt. Vỗ Tay 4 Nhịp 200 lần. Cúi Ngửa 4 Nhịp cho máu lên nuôi não, lên đầu nuôi mắt.
Nằm Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng 200 lần làm hạ áp huyết, mạnh lưng gối, mạnh thận, điều chỉnh tiêu hóa, chuyển hóa thức ăn thành chất bổ, loại bỏ nhanh độc tố ra ngoài, không bị táo bón hay tiêu chảy, hay đi tiểu đêm. Mỗi ngày tập 2 lần sau bữa ăn và thêm một lần buổi tối trước khi đi ngủ sẽ ngủ ngon.
Thần:
Tập thở Đan Điền Tinh, sau khi tập Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng 200 lần, rồi nhắm mắt, cuốn lưỡi, ngậm miệng, thở bằng mũi bình thường, bàn tay trái để dưới rốn 5cm nơi huyệt Khí Hải, Đan Điền Tinh, bàn tay phải chồng lên trên. Chỉ chú ý bụng phồng lên-xẹp xuống tự nhiên theo hơi thở ra-vào, cho đến khi bụng mềm, khí trong bụng chuyển động từ bụng trên xuống dưới, từ từ bụng nóng ấm, bàn tay rịn mồ hôi, là tập đúng, sẽ rơi vào giấc ngủ ngon.
Thân
doducngoc