Câu hỏi 127 : Súp Đậu Thận Trắng, Lá Đu Đủ, Rễ Cây Bồ Quân, số đo áp huyết nào đúng

Thân gởi lương y Đỗ Đức Ngọc,

Được biết trang nhà Khí Công Y Đạo VN được phổ biến trên toàn cầu và giúp ích cho nhiều người, thật là một phước lớn. Mong lương y và KCYD VN càng ngày càng đem lại nguồn vui cho nhiều người.

Tôi có những câu hỏi sau đây, xin lương y bớt chút thời giờ giải đáp:

1.Tôi đọc chỉ dẫn đậu trắng nấu với tỏi dùng để chữa bệnh huyết áp cao, có thắc mắc sau đây:

Đậu trắng(100g) nấu với tỏi(100g) sau 3 giờ 30 phút thành một chén bột nhão dùng để chữa bệnh huyết áp cao. Xin hỏi: một chén bột nhão (đậu trắng+ tỏi) này phải ăn ngay một lúc hay ăn làm nhiều lần trong 1 tháng?

2. Nghe nói một vài thảo mộc sau đây chữa bệnh. Xin cho biết:

– Lá đu đủ chữa bệnh ung thư. Xin cho biết những dược tính của lá đu đủ.Nghe nói nhựa đu đủ rất độc.Có đúng không?

– Rễ cây bồ quân dùng để chữa bệnh về tuyến tiền liệt. Xin cho biết dược tính của rễ cây này. Sống ở ngoài VN, làm sao có được loại rễ cây này?

3. Tôi đo huyết áp ở tay trái ba lần liên tiếp thì thấy không bao giờ cùng một kết quả. Thí dụ:

Lúc 2 giờ 15 chiều : 151- 72-76, 132- 73-80, 130- 69-78

Lúc 4 giờ 30 chiều: 157- 78-70, 142- 75-70, 142- 73-64

Xin hỏi: Mỗi khi đo như thế, tôi lấy số nào? Lấy số đo lần đầu của lúc đo? hay lúc giữa? hay lúc cuối? hay số trung bình cộng của cả ba số?

Cám ơn lương y.

Đức

(từ nứơc Úc)

Trả lời :

1-Súp đậu thận trắng điều chỉnh rối loạn áp huyết, tim mạch :

Lấy 100 g white kidney bean,100g tép tỏi còn vỏ, nấu chung với 2 lít nước, cạn còn 1 lít, lúc đó vỏ tỏi bị tróc ra, lấy đũa gắp hết vỏ tỏi ra, còn lại bỏ vào máy xay sinh tố xay cho nhuyễn như cháo bột, ăn hết một lần thay cho bữa cơm chiều.

Trước khi ăn, đo áp huyết, và sau khi ăn 30 phút đo lại áp huyết, để so sánh kết qủa áp huyết đã lọt vào tiêu chuẩn của khí công hay chưa, để định liều lượng và thời gian dùng tiếp tục hay không :

Đây là bảng tiêu chuẩn áp huyết theo loại tuổi theo kinh nghiệm của khí công y đạo :

95-100/60-65mmHg, mạch tim đập 60 là áp huyết ở tuổi thiếu nhi.( 5 tuổi-12 tuổi)

100-110/60-65mmHg, mạch tim đập 65 là áp huyết ở tuổi thiếu niên (13 tuổi – 17 tuổi)

110-120/65-70mmHg, mạch tim đập 65-70 là áp huyết ở tuổi thanh niên (18 tuổi-40 tuổi)

120-130/70-80mmHg, mạch tim đập 70-75 là áp huyết ở tuổi trung niên (41 tuổi-59 tuổi)

130-140/80-90mmHg, mạch tim đập 70-80 là áp huyết ở tuổi lão niên (60 tuổi trở lên)

Có người sau khi ăn súp này 1 lần, áp huyết đã trở lại bình thường, có người ăn liên tiếp mỗi ngày và theo dõi kết qủa đo áp huyết cho đến khi áp huyết ổn định lọt vào tiêu chuẩn thì ngưng, không cần dùng đến súp nữa, nếu tiếp tục áp huyết sẽ xuống thấp cũng có hại. Do đó, thuốc uống hay món ăn cũng đều là thuốc khi chữa hết bệnh thì ngưng chứ không nên uống suốt đời, chỉ khi nào áp huyết cao hơn tiêu chuẩn thì mới dùng trở lại.

Bài thuốc chữa bệnh rối loạn áp huyết bằng cách ăn súp Đậu Thận Trắng với Tỏi này cũng đã làm cho các bác sĩ điều trị tim mạch tại bệnh viện ngạc nhiên, khó giải thích trước kết qủa không phủ nhân được:

Một bệnh nhân kỹ sư không tin đông y, chỉ tin tây y, khi anh bị rối loạn tim mạch, chân tay vô lực, ng ười n óng sốt, vào bệnh viện cấp cứu 2 tháng, lúc anh bị sốt, lúc người xuất mồ hôi lạnh, lúc nhức đầu, lúc chóng mặt, lúc áp huyết rầt cao trên 240, nhưng mạch rất chậm có 45, lúc áp huyết thấp bình thường thì mạch rất cao 130, do phản ứng thuốc điều trị mà các bác sĩ đã chữa cho anh, thế là anh nằm liệt giường không cử động hay ngồi lên một mình được. Cuối cùng anh nhờ vợ anh liên lạc tìm đến tôi. Cô ấy cũng không tin trên đời lại có cách chữa nào hay hơn tây y, nhưng vì chiều chồng mà cô đến, giọng nói của cô dửng dưng như gặp một người bạn tình cờ giữa đường, không có vẻ tha thiết mời tôi đến chữa, mà kể tình trạng bệnh rồi nói anh ấy hỏi xem thầy có giúp gì được không…

Anh bạn này trước kia tôi có nhờ anh nghiên cứu sáng chế giùm cho tôi một dụng cụ điện tử dùng để bắt mạch theo đông y, để các thầy thuốc khỏi cần bắt mạch bằng tay, nhưng không thành công. Nghĩ đến bạn, tôi bảo cô cho tôi đến thăm anh ấy đi. Và kết qủa đo áp huyết mà tôi ghi nhận được, ở hai tay khác nhau, đo nhiều lần có nhiều kết qủa khác nhau. Anh cũng không thể tập khí công được. Tôi dặn cô ấy làm súp này cho anh anh liên tiếp 1 tuần. Tuần sau, cô ấy gọi điện thoại báo tin anh ấy đã khỏe, mời thầy đến dạy anh tập luyện để giúp cho anh ấy đi được.

Khi tôi đến, anh nói, chắc bác sĩ sắp đến hỏi tôi ăn cái gì mà áp huyết ổn định, thầy xem, cái bát súp còn lại, vợ tôi cất ở tủ lạnh, tự nhiên y tá đem ra để trên bàn này lúc tôi ngủ, chắc có lẽ họ đã đem phân tích nó rồi, họ sẽ hỏi tôi, vậy thầy chỉ cho tôi phải trả lời với các bác sĩ làm sao. Tôi trả lời, dễ mà, anh cứ nói là món súp người Việt Nam chúng tôi thường ăn gồm đậu thận trắng và tỏi.

Anh được tôi hướng dẫn tập đi, và hai ngày sau anh xuất viện, hiện nay anh đã đi làm trở lại bình thường.

2-Lá Đu Đủ chữa ung thư :

Theo phương pháp chữa ung thư của môn KCYĐ là bổ máu bằng thuốc và những thức ăn bổ máu được hướng dẫn trong bài 387 nơi trang nhà, và tập luyện khí công thay cho oxy liệu pháp để duy trì hồng cầu, lượng máu đủ nuôi các tế bào lành, dùng oxy phân hủy tế bào ung thư. Kết qủa của các phương pháp chữa đều được kiểm chứng bằng máy đo áp huyết, đa số bệnh nhân ung thư đều có áp huyết rất thấp, giống như cơ thể người lớn mà khí huyết chỉ đủ để nuôi dưỡng một cơ thể trẻ em. Thí dụ áp huyết ở tuổi trung niên hay lão niên chỉ bằng áp huyết trẻ em.

Bất cứ loại thuốc nào hay cách ăn uống nào với mục đích muốn chữa khỏi bệnh theo đông y khí công đều phải có công dụng phục hồi khí huyết của cơ thể lọt vào đúng tiêu chuẩn của một người khỏe mạnh.

Do đó, lá đu đủ để chữa bệnh ung thư cũng không ngoại lệ, nó có phàn ứng thuận hay nghịch tùy theo cơ thể mỗi người khác nhau, làm cho mọi người nghi ngờ khi dùng nó, mà không biết nó có phù hợp với bệnh ung thư của mình hay không theo tiêu chuẩn áp huyết của khí công.

3-Rễ cây Bồ Quân chữa bệnh tuyến tiền liệt :

Trong đông y có nhiều loại cây thuốc chữa được bệnh tuyến tiền liệt, nhưng các loại thuốc đông y phân loại theo tính-khí-vị của từng vị thuốc có phù hợp với cơ thể hay không như bệnh tuyến tiền liệt kèm theo bệnh áp huyết cao, kèm theo bệnh áp huyết thấp, kèm theo bệnh thận hư… sẽ có những vị thuốc phù hợp và không phù hợp, nên cách chữa theo đông y khí công vẫn phải kiểm chứng bằng máy đo áp huyết cho từng trường hợp.

4-Kết qủa đo số đo áp huyết khác nhau :

Áp huyết khi đo cho ra kết qủa khác nhau, từng giờ, từng phút, vì áp huyết thay đổi theo Tinh-Khí-Thần, mỗi lúc mỗi khác, do thức ăn làm tăng khí, hạ khí, do hơi thở làm tăng khí, hạ khí, do vui buồn giận hờn làm tăng khí hạ khí, mặc dù có uống thuốc cũng là giải pháp ổn định tạm thời. Cho nên không ỷ lại vào thuốc hoàn toàn, nếu khi thấy cơ thể có biến chuyển khác lạ như hồi hộp, nhói tim, mệt mỏi, phải nghĩ ngay đến việc đo áp huyết để biềt tình trạng khí huyết của mình lúc đó cao hay thấp, máy đo áp huyết chính là bác sĩ giỏi nhất có thể cứu mình trong lúc khẩn cấp.

Có những bệnh nhân người ngoại quốc hoàn toàn tin tuyệt đối vào thuốc uống hạ áp huyết, nhưng cũng đành bó tay khi áp huyết tự nhiên vẫn cao mặc dù mới vừa uống thuốc trị áp huyết. Họ cũng đã từng đi cấp cứu tại bệnh viện sau 1-2 ngày lại về nhà, thỉnh thoảng lại cấp cứu rồi lại được về nhà. Cuối cùng họ đã đến phòng khám của tôi để thay đổi phương pháp chữa. Tôi đo áp huyết cho họ có lúc lên tới 220/130mmHg mạch 95. Tôi hỏi bệnh nhân đã uống thuốc trị áp huyết chưa, họ đều trả lời đã uống rồi. Tôi lại hỏi : Sao ông bà không đi bệnh viện, họ trả lời đã đi nhiều lần, rồi cũng bị lại. Tôi nói, nếu ông bà đến phòng mạch của bác sĩ tây y thì các vị bác sĩ này cũng không dám đụng đến người qúy vị mà phải gọi ngay xe ambulance đến chở qúy vị đi cấp cứu bệnh viện, vì trường hợp này đụng đến gây tai biến mạch máu não sẽ gây tê liệt hay chết người ngay.

Cách chữa của đông y khí công cũng cần phải cấp cứu ngừa áp huyết tăng cao gây sung huyết bể mạch máu não, nên phải châm 10 đầu ngón tay chân nặn máu, châm 2 huyệt É Phong, hõm sau tai, 2 huyệt Toản Trúc đầu chân mày, làm hạ áp lực sọ não. Hướng dẫn bệnh nhân cách thổi hơi ra để xả khí lực dư thừa trong cơ thể, bảo bệnh nhân dùng tay ấn đè đau vào huyệt Khí Hải dưới rốn 5cm, theo khí công bệnh nhân cảm thấy đau khi ấn đề trên huyệt thì ý bệnh nhân đặt ở huyệt, đó là cách tâp khí công : ý ở đâu, khí ở đó. Tập khoảng 15 phút áp huyết xuống dưới 130, cơ thể bệnh nhân thấy khỏe mạnh bình thường, Họ hỏi, nếu ở nhà tôi bị cao áp huyết như thế này thì tôi phải làm sao ? Tôi bảo họ nấu Súp Đậu Thận Trắng, Tỏi để ăn như trên, và nằm tập thở huyệt Khí Hải để xả bỏ khí dư thừa trong cơ thể thoát ra ngoài làm hạ áp huyết.

Cách đo áp huyết của anh, không phải là lấy số nào đúng nhất, hay lấy kết qủa trung bình, mà anh phải hiểu lả đã có lúc áp huyết của anh thấp, và cũng đã có lúc áp huyết của anh cao, nhưng khoảng cho phép tối thiểu và tối đa phải nằm trong khoảng tiêu chuẩn cho phép của lứa tuổi theo tiêu chuẩn áp huyết của khí công y đạo mới là tốt.

Có hai kết qủa trung bình giống nhau, nhưng một trong hai kết qủa đả làm cho bệnh nhân chết được, thí du đo 2 lần, lần thứ nhất 140, lần thứ hai 132, như vậy trung bình là 136, đông y khí công không tính như vậy, mà chỉ cần biết áp huyết tối thiểu 132, tối đa là 140 vẫn còn nằm trong áp huyết an toàn. Nhưng trường hợp này thì chết bất đắc kỳ tử, nếu tính theo áp huyết trung bình 136 do lần đo đầu 106 lần đo thứ hai 156, đông y khí công xét đến áp huyết tối thiểu 106, tối đa là 156, thì đấy là bệnh tắc nghẹt van tim, tim sẽ ngưng đập bất cứ lúc nào do chức năng của van đóng mở thất thường.

Tôi đã có một người bạn mới quen đến phòng mạch nhờ khám bệnh như trường hợp này, tôi nói tim anh có vấn đề rồi. Anh tâm sự : Tôi được người bạn rất thân là bác sĩ gia đình khám cho tôi hôm qua rất kỹ, anh ấy nói với tôi áp huyết không sao, nằm trong khoảng 100 đến 140, trung bình là 120 là lý tưởng rồi, một tuần sau bệnh nhân này đã chết về bệnh tim mạch.

Như vậy trường hợp của anh phải để ý tìm nguyên nhân tại sao thường có áp huyết cao hơn tiêu chuẩn, vì trên 140, để lưu ý về bệnh cao áp huyết của mình, hãy tập thở ở huyệt Khí Hải để làm hạ áp huyết và chữa được bệnh tuyến tiền liệt, thông tiểu dễ dàng mà không cần chữa hai loại bệnh riêng biệt là áp huyết vì tuyến tiền liệt và áp huyết có liên quan với nhau.

Thân

doducngoc

Xin xem chi tiết vị hai bài thuốc về Lá Đu Đủ và Rễ cây Bồ Quân đính kèm bên dưới.

Lá Đu Đủ chữa bệnh ung thư :

GS. Nguyễn Xuân Hiền, nguyên Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là người thường xuyên chia sẻ với chúng tôi thông tin về tác dụng của bài thuốc chữa ung thư bằng lá đu đủ. GS cũng là người cung cấp cho chúng tôi tài liệu sưu tầm về bài thuốc này.

Theo các thông tin GS. Nguyễn Xuân Hiền cung cấp, khởi nguồn của bài thuốc này là do bà Lê Thị Đặng (TP.Hồ Chí Minh) sưu tầm. Bài thuốc này lại bắt nguồn từ ông Stan Sheldon (người Úc). Ông đã được thổ dân Úc phổ biến bài thuốc này để điều trị bệnh ung thư phổi. Bài thuốc như sau:

Cách nấu lá đu đủ: Hái lá lẫn cuống đu đủ, để tươi chứ không phơi khô, cho càng nhiều càng tốt vào một ấm hoặc nồi, đổ thêm chút nước rồi đun nóng từ từ cho đến khi sôi. Sôi được 5 phút thì tắt lửa để chừng hai tiếng đồng hồ cho nguội, chắt nước đã sắc đặc vào bình hoặc chai, cất trong tủ lạnh để uống dần.

Cách uống: Uống 200ml một lần, 3 lần/ngày. Thuốc đắng khó uống, nhưng phải uống đều đặn. Ngoài ra phải uống thêm 3 muỗng cà phê mật mía trong ngày, mỗi lần uống 1 muỗng ngay sau ly nước thuốc.

Theo lời kể thì bà Đặng đã áp dụng bài thuốc này để điều trị cho chồng bị ung thư lưỡi di căn ra má. Chồng bà Đặng đã  khỏi bệnh. Khi GS. Hiền nhận được bài thuốc, ông cũng áp dụng để điều trị cho con gái bị ung thư phổi. Nhưng do ung thư ở con ông đã di căn nên bài thuốc không chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì theo dõi các bệnh nhân khác. Kết quả kiểm tra của ông với 12 bệnh nhân qua điện thoại cho thấy: 4 trường hợp (3 u phổi, 1 chửa trứng) uống được trên 5-6 tháng thì sức khỏe ổn định, lên cân, u thu nhỏ, hết hạch cổ, đỡ ho, đỡ đau; 3 trường hợp bị u phổi khác uống được hơn 2-3 tháng thì u nhỏ đi, sức khỏe tốt hơn; 1 trường hợp bị u phổi khác uống được 2 tháng, bệnh tiếp tục tiến triển, đau, ho nhiều; 3 trường hợp chết (1u phổi, 1u dạ dày, 1u gan) chỉ uống chưa được 2 tháng sau đó chuyển thuốc Đông y khác; 1 trường hợp u đại tràng di căn chỉ uống chưa được 2 tháng, kết quả không mấy tiến triển.

Người trong cuộc nói gì?

Theo dõi kết quả của 12 bệnh nhân, GS. Nguyễn Xuân Hiền cho biết, kết quả đáp ứng tốt khi sử dụng bài thuốc ở 4 bệnh nhân là rất đáng lưu tâm. Ông hết sức mong mỏi các chuyên gia trong lĩnh vực y tế tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này.

Chúng tôi cũng đã trò chuyện với một bệnh nhân khác sử dụng bài thuốc từ lá đu đủ là ông Lê Văn Sang, cán bộ về hưu, hiện đang sống ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ông Sang bắt đầu xạ trị khối u 3cm ở phổi từ ngày 15/5/2006 tại Bệnh viện K, Hà Nội. Sau đó 2 ngày, ông bắt đầu sử dụng bài thuốc trên. Sau 15 tháng điều trị, ông Sang cũng chưa khẳng định về giá trị của bài thuốc. Ông cho biết, khi đi tái khám, các bác sĩ kết luận khối u nhỏ đi, nhưng khi làm xét nghiệm máu thì chỉ số ung thư trong máu lại tăng lên. Ông  không loại trừ trường hợp có thể khối u ở phổi đã di căn sang vị trí khác.

Ông Sang nói thêm, rất mong sẽ được đón nhận những công bố mới kết luận về tác dụng của lá đu đủ trong phòng chống bệnh ung thư. Còn riêng ông, trong thời điểm này vẫn kiên trì áp dụng bài thuốc này đồng thời tuân thủ đúng chỉ dẫn của các bác sĩ. Ngoài ra ông còn sử dụng các thuốc khác như uống tam thất, tinh bột nghệ, vây sụn cá mập. Ông luyện tập yoga hằng ngày, mỗi ngày 2 buổi. Theo ông, để điều trị bệnh ung thư tốt nhất, ngoài các yếu tố trên thì tinh thần lạc quan, sẵn sàng đối mặt với bệnh tật và có ý chí sắt đá để sinh hoạt như một người bình thường mới là điểm mấu chốt.

Để tìm hiểu rõ hơn về tác dụng của bài thuốc này, chúng tôi đã trao đổi ý kiến với các bác sĩ ở Bệnh viện K, Viện Dược liệu và Hội Đông y Việt Nam. Tuy nhiên, cả 3 đơn vị trên đều cho biết, đề tài này triển khai cách đây đã hàng chục năm nhưng đều thất bại.

Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam chưa có công bố chính thức  về tác dụng của bài thuốc trên. Tác dụng của lá đu đủ trong điều trị bệnh ung thư vẫn chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và theo các tài liệu  không chính thức được công bố lẻ tẻ. Vì vậy, nếu không may bạn bị ung thư, cách tốt nhất vẫn là đến các cơ sở y tế để khám, điều trị bệnh theo hướng dẫn của các bác sĩ.

Cây Bồ quân chữa khỏi u xơ tiền liệt tuyến

Theo kinh nghiệm dân gian, nước sắc rễ cây quân có tác dụng chữa khỏi cho đàn ông chừng 40 – 50 tuổi trở lên mắc chứng đái dắt, đái khó, thường hay mót rặn lâu nhưng có cảm giác đi không hết bãi, hơi thở hôi nồng, đau ê ẩm vùng bọng đái, bàng quang…

Bồ quân hay mùng quân, hồng quân (hay còn gọi là cây quân) có tên khoa học là Flacourtia jangomas (Lour.) Raeusch hoặc tên khác Flacourtia cataphracta Roxb., thuộc họ Bồ quân hay họ Chùm bao lớn Flacourtiaceae. Cây bồ quân thuộc loại thân gỗ, sống lâu năm ở vùng nhiệt đới, thổ nhưỡng và thổ ngơi rất đa dạng.

Chỉ cần dùng vài mẩu rễ cây quân rửa sạch, bỏ vào ống nứa hay nồi nhỏ, nấu  lên  theo công thức 3 bát  nước, sắc cho còn 1 bát, uống trong ngày. Những mẩu rễ này có thể sắc di sắc lại vài lần.

Uống liên tục chừng 3 ngày thì những tình trạng đã nêu trên sẽ hết. Người bệnh có giấc ngủ êm, giảm cho đến hết phản xạ đi tiểu đêm. Chấm dứt tình trạng khét khắm, do quần áo, trang phục nội y dính những giọt nước tiểu sót rỉ ra triền miên trong ngày…

Điều tra tại Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên năm 2001 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân u xơ tiền liệt tuyến như sau: 61% trường hợp 60 – 74 tuổi, 28% trường hợp 55 – 59 tuổi; 11% trên 75 tuổi. Sau 20 ngày điều trị bằng uống cao lỏng cây quân với liều 0,1ml/kg/ngày, tất cả các triệu chứng rối loạn bài tiết nước tiểu trên lâm sàng đều giảm đi rõ rệt.

Đặc biệt, mất hẳn các triệu chứng cầu bàng quang căng to, đau tức vùng hạ vị.

Trong 20 bệnh nhân u xơ tuyến tiền liệt, sau đợt điều trị bằng uống cao lỏng cây quân đều không cần đòi hỏi  phải phẫu thuật. Hình ảnh siêu âm cuối cùng cho thấy, thể tích khối u giảm trung bình 3,5cm3. Đồng thời, qua siêu âm còn nhận thấy nhiều chỗ vôi hóa biến mất, thể tích bàng quang co trở lại gần như mức bình thường.

Khi thăm khám trực tràng, các bệnh nhân  trên đều có tuyến tiền liệt mềm, nhận biết rõ rãnh giữa điển hình. Có 1 trường hợp thể tích khối u tăng thêm 1cm3 nhưng lại không cần phải mổ vì sau đợt điều trị, các triệu chứng rối loạn bài tiết nước tiểu được cải thiện rõ rệt. Người bệnh đã tiểu tiện thành tia, thành bãi lớn.

Trường hợp này cũng được thăm dò lại trực tràng thấy khối u mềm ra, phân biệt rõ rãnh giữa của tuyến, tuy vẫn còn to.

Các tác giả thống nhất nhận định: Cao lỏng cây quân hoặc nước sắc 3/1 của 100g thân hoặc cành cây quân, uống hàng ngày và liên tục trong một tuần lễ có khả năng điều trị đối với những trường hợp bệnh mới xuất hiện.

Nam giới từ  40 – 50 tuổi trở lên khi đã biết chắc chắn không bị chấn thương, không bị các loại bệnh nhiễm trùng tiết niệu sinh dục, chỉ đơn thuần là đi tiểu khó khăn, khó chịu ở vùng cổ bàng quang, hạ vị, nên dùng cao lỏng cây quân hoặc nước sắc 3/1 của cây quân.

Sử dụng cây bồ quân như trên còn có thể giúp đàn ông lớn tuổi tránh được u xơ tiền liệt tuyến.

PGS.TS Phan Văn Các, Bs Hoàng Sầm, ThS Vũ Văn Giáp, DS Nguyễn Thị Thanh Tảo