Kính chào thầy Ngọc!
Em là nam, 35 tuổi. Hiện tại em có một số chứng bệnh mong thầy chỉ giúp cho em cách chữa với ạ.
Trước năm 2007, em có uống thuốc kháng sinh và bị dị ứng, sau đó bình thường. Nhưng thỉnh thoảng, nhất là buổi đêm, em bị cơn huyết áp và nhịp tim lên cao. Khi đó huyết áp khoảng 150/90, nhịp tim khoảng 110. Em đi lại trong phòng, vuốt tay sau gáy thì hết, nhưng hiện tượng trên cũng không xảy ra nhiều, em cũng không rõ nguyên nhân. Khi đó hai bàn tay và hai bàn chân toát mồ hôi. Hai bàn chân có cảm giác nóng rát nhưng sờ lại không nóng.
Năm 2007, sau chuyến đi công tác Sài Gòn và đi máy bay, em sợ nên khi về bị loạn nhịp ngoại tâm thu. Hiện tượng nhịp tim nhanh và huyết áp tăng bất thường như trên xảy ra thường xuyên, kể cả khi đang đi làm, nên em phải nghỉ làm 1 thời gian và uống các thuốc: betaloc, atenolol nhưng ngoại tâm thu không hết. Em đã làm tất cả các xét nghiệm, đeo holter, chỉ có ngoại tâm thu, tim không sao, ngoại tâm thu đơn lẻ, nhưng có nhiều, khoảng 4000 – 6000 nhịp/ngày, bác sỹ nói đốt điện nhưng em không đốt, uống thuốc bắc và đỡ 1 năm nay.
Vừa rồi, công việc của em có căng thẳng, ăn uống thất thường, tự dưng hiện tượng huyết áp và nhịp tim nhanh lại xuất hiện trở lại, thường từ 12h30 đêm trở đi. Huyết áp cỡ 150 – 160/90-95, nhịp tim 110 đến 120 (đo bằng máy), cảm giác rất hoảng sợ, lo lắng, định đi cấp cứu, nhưng khoảng 1 tiếng hoặc hơn 1 tiếng sau thì hết mà không uống thuốc hạ huyết áp hay nhịp tim. Em cũng đã đi thử máu, điện tim, siêu âm ổ bụng nhưng chả có gì, ngoài ngoại tâm thu vẫn có. Em có tiền sử loét hành tá tràng, giờ ấn vào vùng trên rốn đau. Mỗi khi xuất hiện cơn lên huyết áp và nhịp tim, nó bắt đầu rất mơ hồ, từ vùng thượng vị nóng rát, lan toả khắp người, chân và tay mỏi không nhấc lên được, vô cùng hoảng sợ, hai bàn chân có cảm giác nóng rát. Sau đó lại trở về bình thường.
Vậy em bị bệnh gì. Rất mong thầy chỉ cho em cách chữa. Cảm ơn thầy rất nhiều.
Bệnh rối loạn áp huyết do rối loạn chức năng gan và bao tử bởi ăn uống thất thường, đông y gọi là can vị bất hòa, nếu đo áp huyết trước khi ăn, lúc đói, và sau khi ăn no 30 phút, đo ở cả 2 tay, lấy kết qủa 3 số tâm thu, tâm trương, nhịp tim, sẽ thấy khác nhau hoàn toàn.
Thông thường gần đến giờ ăn men gan tăng áp huyết đo bên tay phải cao hơn tay trái, sau khi ăn no áp huyết hai tay cao bằng nhau, nhưng cả hai lần áp huyết vẫn nằm trong tiêu chuẩn đúng với lứa tuổi của mình.
Thí dụ áp huyết ở tuổi trung niên 120-130/70-80mmHg, mạch tim đập 70-75 là áp huyết ở tuổi trung niên (41 tuổi-59 tuổi)
Có 3 trường hợp xảy ra :
Trường hợp 1 :
Trước khi ăn, tay trái 120/70mmHg mạch 75, tay phải 125/80mmHg mạch 85
Sau khi ăn, tay trái 123/75mmHg mạch 76, tay phải 120/75mmHg mạch 76
Để ý nhịp mạch tay phải trước khi ăn, men gan tăng nên nhịp tăng để khi chúng ta ăn, men gan được chuyển sang bao tử để chuyển hóa thức ăn, nên áp huyết tay phải thuộc gan trở lại bình thường, nhưng áp huyết tay trái thuộc bao tử cao hơn để làm công việc hấp thụ và chuyển hóa thức ăn thành chất bổ.
Trường hợp 2 :
Khi can vị bất hòa thì ngược lại, khi đói, hai tay đo áp huyết đều cao hơn so với lứa tuổi trung niên, mà cao ở tuổi lão niên, là chúng ta đã có bệnh cao áp huyết theo tiêu chuẩn khí công, thí dụ tay trái 135/80mmHg mạch 80, tay phải 132/78mmHg mạch 88 (mạch 88 là men gan tăng)
Sau khi ăn tay trái 145/90mmHg mạch 90, tay phải lại thấp xuống hơn tay trái 140/78mmHg mạch 80, như vậy là bao tử đang làm việc.
Trường hợp 3 :
Trước khi ăn áp huyết tay trái cao hơn tay phải, sau khi ăn áp huyết tay phải thấp hơn tay trái, thí dụ trước khi ăn, tay trái 145/88mmHg mạch 90 là bao tử có nhiệt sẵn, tay phải 140/90mmHg mạch 110 là men gan tăng cao. Khi đó không kịp ăn hay bỏ qua giờ ăn, men gan không đưa sang bao tử để chuyển hóa, men gan tiết ra đi vào máu sinh dị ứng, Khi ăn cơm no vào bao tử, lại không có men gan trong bao tử trợ giúp, nên phải đợi thức ăn chứa lâu trong bao tử lên men mới chuyển hóa, lúc đó là đêm, nên áp huyết bên tay trái thuộc bao tử tăng cao 150-160/90-95mmHg và gan cũng lại làm thêm việc chuyển men gan sang bao tử để chuyển hóa thức ăn, nên áp huyết ở tim bị hại, gan mộc truyền sang tâm, và thay vì tâm truyền sang bao tử, thì bao tử đã dư thừa không nhận trả lại về tim, khiến tim rối loạn làm mạch đập nhanh hơn nhiều so với lúc bình thường làm xuất mồ hôi để tự giải nhiệt.
Cách chữa theo Tinh-Khí-Thần :
Tinh :
Nên ăn ít, và ăn đúng giờ, đừng để táo bón, ăn bớt ngọt, kiêng ăn thức ăn cay nóng nhiệt như nhãn, soài, chôm chôm, sầu riêng, mít, măng cụt, khô mực. bia, coca, rượu…
Mỗi ngày uống 1 ly nước chanh chua nhiều hơn ngọt sau bữa ăn vừa giúp bao tử chuyển hóa, giải nhiệt, hạ áp huyết.
Uống Tri Bá Bát Vị Hoàn ( Zhi Bai Ba Wei Wan) Trị âm hư hỏa động, xương yếu, tủy khô, trị áp huyết cao người nóng. Ngậm trong miệng 20 viên, ngày 2 lần sáng tối.
Dưỡng Tâm Hoàn (Su Xiao Jiu Xin Wan) Trị chứng tâm hỏa vượng làm mất ngủ, trị bệnh thần kinh điên loạn, bất an. Tối đi ngủ uống 5 viên.
Khí :
Tập bài Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mềm Bụng 200-400 lần sau khi ăn 60 phút, giúp tiêu hóa nhanh, xuất mồ hôi, hạ nhiệt và hạ áp huyết. Mỗi ngày tập 3 lần.
Nằm thổi hơi ra, một ngón tay bấm vào huyệt Khí Hải làm hạ áp huyết và nhịp tim chậm lại.
Thần :
Tập thở Đan Điền Tinh trước khi đi ngủ, bàn tay phải đặt dưới rốn 5cm nơi huyệt Khí Hải, Đan Điền Tinh, tay trái chồng lên trên, nhắm mắt, cuốn lưỡi, ngậm miệng, không chú trọng cố ý hít vào thở ra, thở bằng mũi bình thường như đang ngủ, nhưng chỉ chú ý bụng phồng lên xẹp xuống tự động theo hơi thở ra vào, cho đến khi nghe được khí chuyển động từ bụng trên xuống bụng dưới, bụng mềm, ấm nóng, bàn tay rịn mồ hôi là tập đúng.
Đo áp huyết trước khi ăn và sau khi ăn ở 2 tay mỗi ngày để theo dõi xem bệnh áp huyết và nhịp tim trở lại bình thường đúng tiêu chuẩn là khỏi bệnh.
Thân
doducngoc