Kính gửi thầy!
Thật là tốt cho mọi người biết bao khi có trang web của thầy với những bài thuốc và bài tập chữa được nhiều bệnh như vậy.
Đầu thư, con xin chúc thầy và gia đình nhiều sức khỏe, sống lâu và lòng cảm kích của con với tấm lòng của thầy.
Con biết đến trang của thầy gần một năm nay (do tình cờ con tìm trên mạng về bệnh sa dạ dày của con). Kể từ đó con luôn theo dõi các bài viết của thầy và áp dụng cho bản thân. Con cũng có nhiều bệnh nhưng so với nhiều bệnh nan y khác thì chẳng thấm tháp gì nên con cứ theo dõi và áp dụng chứ chưa dám viết thư hỏi thầy vì con thấy thầy rất bận. Hiện giờ con có một số bệnh, nhờ thầy phân tích hộ con và đưa ra bài tập hữu ích nhất giúp con. Thư con hơi dài vì con muốn kể tỉ mỉ một chút cho rõ bênh, mong thầy bớt chút thời gian ạ!
Con là Nhung, nữ, năm nay 31 tuổi. Số đo áp huyết:
-Sáng ngủ dậy: + TT: 100/64/75, + TP: 97/62/75
-Trưa: trước ăn: + TT: 101/61/68, + TP: 102/62/74
Sau ăn: + TT: 101/66/78, +TP: 105/65/76
-Tối: trước ăn: + TT: 103/69/76, + TP: 109/69/74
Sau ăn: + TT: 96/61/73, + TP: 99/61/71
Bàn tay, bàn chân và trán nóng (đặc biệt là tay nắm vào vị trí nào trên người cũng thấy tay nóng hơn và khi tay sờ lên trán thì thấy trán nóng hơn cả tay). Con rất hay bị táo bón, nhiều khi đi cầu bị chảy máu hậu môn do phân cứng như có đầu nhọn ấy. Phân con không vàng mà màu xanh đen.
Con cũng biết là con bị thiếu máu, huyết áp thấp. Bây giờ con đang tập bài Nạp khí trung tiêu 5 lần rồi Kéo ép gối thở ra làm mềm bụng (ngày 2 lần, sáng trước ăn, tối sau ăn do ban ngày đi làm không có chỗ tập). Một tháng trước đây, sáng con tập toàn bài khí công trong lớp (nhưng sau con xem video thấy nói là huyết áp thấp thì tập 7 bài thần kinh đầu cổ + cúi ngửa 4 nhịp + vỗ tay 4 nhịp + đứng hát kéo gối lên ngực 200 cái – bài này con chỉ làm được 100 cái vì mệt quá – nên con chuyển sang mấy bài này nhưng cũng không được thường xuyên có lẽ vừa do chưa quyết tâm cao vừa do công việc gia đình). Đồng thời con cũng đang uống thuốc bổ máu Đương Quy Tửu. Từ ngày tập mấy bài khí công con thấy người đỡ nhiều: đỡ mệt, ít đau đầu hơn, tuy áp huyết chưa lên được mấy. Có thời gian con cũng uống Bổ Trung Ich Khí nhưng ăn vẫn không thấy ngon, mỗi bữa con ăn được rất ít và nhiều khi ăn chỉ vì sợ tụt huyết áp.
Huyết áp trước kia của con không đến nỗi thấp như bây giờ: khoảng 112-114 (số đằng sau con không nhớ rõ ạ) nhưng do con vội vàng hấp tấp không hỏi kỹ thầy, thấy bài Phan
Tả Diệp thải độc cơ thể nên con uống liền 3 ngày, mỗi tối 1 cốc khoảng 3g nên sau khi uống huyết áp tụt xuống trên dưới 100. Tuy nhiên, trước khi uống Phan Tả Diệp con đi phân lúc táo, lúc nhão (đi cảm giác không hết phân, lúc nhão thì phân có khuôn bé như cứt mèo, có lúc sống phân), khi uống Phan Tả Diệp con cũng vui vì thấy phân ra nhiều chất nhầy nhầy như mũi, sau khi uống từ đó đến nay đi cầu cảm thấy thoải mái hơn: phân có khuôn to, dễ rặn, đi xong thấy thoải mái chứ không còn nặng hậu môn như trước. Từ trước đến giờ con hay bị táo bón nhưng hồi tháng 11-2010 con bị ngộ độc dưa chuột + cà chua nên từ đó phân sống. Mấy ngày đó, có ngày đi 7 lần, cứ ăn xong một lúc là lại muốn đi cầu. Con đi khám tây y thì chẩn đoán sa dạ dày, viêm hang vị hành tá tràng (trước kia con đã 2 lần đi nội soi dạ dày, lần nào cũng bị viêm hang vị, có lần còn thêm trào ngược dịch mật, uống thuốc có đỡ nhưng không khỏi). Lần này, về con mua thuốc theo đơn nhưng uống dạ dày không chịu, đêm đến ruột gan cảm thấy nóng rát không ngủ được và vị đắng của thuốc lên tận cuống lưỡi. Con lại đi khám đông y, thầy thuốc Nguyễn Hữu Toàn do tìm trên mạng thấy web “thaythuoccuaban”, được lấy 40 thang đau dạ dày và thuốc viêm đại tràng uống có đỡ nhưng không khỏi nên từ đó con chỉ ăn uống giữ gìn hơn mà không đi khám nữa.
Từ ngày con biết đến trang của thấy, con thấy có niềm tin hơn và tuyệt đối tin tưởng vào cách chữa của thầy do thấy lý luận, phân tích rất dễ hiểu. Con cũng biết là nên tham khảo các bài viết rồi tự vận dụng chữa cho bản thân nhưng cơ thể con người vốn phức tạp và có quan hệ mật thiết với nhau, hơn nữa kiến thức đông y cũng hạn chế (hàn, nhiệt, giả hàn, giả nhiệt,…) và có bệnh con không tìm thấy trong trang nhà. Mong thầy giúp con. Con xin kể ra một số bệnh nữa của con:
1.Con bị thiếu máu não (đi điện não đồ cho kết quả như vậy) do con hay bị đau nửa đầu, lúc nửa sau, lúc nửa trái (nhất là khi đi xe máy đường xa). Có phải vì lý do này mà con tập Kéo ép gối thở ra làm mềm bụng không nhiều mồ hôi trán (nếu có cũng chỉ hơi dính dính, mồ hôi tay, nách, lưng thì có nhưng trán thì rất ít mặc dù có những lúc con thử tập lên 400 cái).
2.Hầu như sáng nào đánh răng xong con cũng khạc đờm ra từ hốc mũi xuống họng rồi khạc ra (có cả đờm xanh đặc như mũi, lúc thì trắng trong) nhất là đợt lạnh ở Việt Nam mùa đông vừa rồi (ngày nào cũng nhiều), luôn cảm thấy có cục đờm vướng ở họng, cũng có lúc khạc đờm ra từ họng. Có phải con bị xoang sau không ạ? Năm ngoái trở về trước con không bao giờ bị thế. Con cũng chịu lạnh kém hơn người khác, lạnh thì phải mặc ấm hơn và không dám để hở cổ (nếu không về thế nào cũng ho hoặc bị đờm nhiều).
3.Mắt hơi mờ nhất là từ sau khi con bị lưu thai 3 tháng hồi tháng 6-2007. Từ đó, sức khỏe yếu hẳn đi. Công việc của con là ngồi máy tính cả ngày.
4.Con hay bị mỏi vai, gáy. Mỗi lần cứng gáy là đau đầu và con tự xoa đằng sau cổ (bên phải cố) là đỡ hẳn.
5.Môi con hay bị khô, nứt nẻ và nhợt nhạt (mùa đông thì không bao giờ tránh được, mùa hè thì thỉnh thoảng cũng bị). Da thì lúc nào cũng tái tái, nhợt nhạt chứ không hồng hào.
6.Mu bàn chân, bàn tay hay bị nổi gân xanh, có lúc nổi hằn lên như con giun chuyển động bên trong ấy ạ.
7.Mỗi khi leo cầu thang hoặc làm việc nặng là con thấy mệt, cứ như đứt hơi. Con đi điện tim thì bình thường. Có phải do con bị thiếu máu mà như thế không ạ?
8.Con bị đau dạ dày. Lần đi nội soi bác sĩ nói là lỗ môn vị mở rất ít và xung quanh phù nề đỏ. Hay bị đầy bụng và đau tức vùng hõm giao hai xương sườn.
9.Hay bị đau bụng khi đến tháng. Con bị rong kinh khoảng 10 ngày. Con đi khám, bác sĩ chẩn đoán lớp niêm mạc tử cung mỏng cho uống thuốc tránh thai 21 ngày và đặt thuốc nhưng không khỏi. Do đó nên con bị viêm âm đạo suốt. Con cũng thực hiện bài xông phèn chua nấu nghệ trong 1 tuần rồi.
10.Con bị bệnh trĩ từ lâu rồi ạ có lẽ do hay bị táo bón. Khi sinh bé xong năm 2008 (con sinh mổ) hơn 1 tuần sau mới đi cầu được. Lần nào đi cũng bị chảy rất nhiều máu và xót. Con bị chảy máu 1 tháng như vậy.
11.Theo như phân tích của thầy thì con bị bao tử hàn (vì con hay ngáp, nhiều hơn là vào buổi chiều) nên con không dám ăn đồ lạnh, chua (cũng do huyết áp thấp), uống nước thì pha nước nóng ấm nhưng ăn đồ nóng thì lại hay bị táo. Con không biết cái này phải làm sao?
12.Con bị bệnh tổ đỉa nữa ạ ở góc bên chân phải chân phải, mọc ở gan bàn chân, kẽ chân và cả xung quanh móng (bệnh này làm con vô cùng khó chịu). Con bị bệnh này từ hồi rét năm 2007. Từ đầu bị cước chân, gãi, xước sưng có mủ. Đi khám chẩn đoán cước lạnh nhiễm trùng. Về uống thuốc và bôi khỏi sưng nhưng từ đó bị tổ đỉa chữa không khỏi. Ai mách gì con cũng làm (đắp rau răm và muối giã nát để ngủ qua đêm, lấy kim chọc từng nốt ngâm thuốc tím 30’ rồi bôi bột phèn chua nung với băng phiến qua lửa – pp này con chỉ đỡ một thời gian xong rồi lại lên). Con nghĩ có lẽ nó ngấm vào máu rồi nên không khỏi được.
13.Con hay bị mệt. Nếu đứng lâu hoặc ngồi lâu không dựa vào gì là chỉ muốn ngồi hoặc nằm xuống. Lúc ngồi phải dựa vào đâu đấy, ngả ra sau, gác chân lên cao, hoặc ngồi ghế co chân lên ghế mới cảm thấy dễ chịu (con biết vậy là rất mất lịch sự).
Kính mong thầy đọc thư, phân tích và cho con một phương pháp điều trị để điều chỉnh trong người con cho hòa hợp, hết bệnh.
Con đã làm mất nhiều thời gian của thầy. Cuối thư kính chúc môn khí công y đạo ngày càng phát triển rộng để nhiều người tự tìm ra phương pháp tự chữa bệnh cho mình và giúp đời.
Con xin cảm ơn thầy!
Kính gửi thầy!
Thầy ơi, ngày nào con cũng kiểm tra thư mà vẫn chưa thấy thầy trả lời giúp con. Chắc đợt này thầy đang bận lắm. Con hỏi thêm một câu nữa: chắc chắn trong bụng con có nhiều bướu mỡ, con đã mua bài thuốc “quế chi phục linh tán” để chuẩn bị uống. Con muốn hỏi thêm: nếu con đang uống thuốc bổ máu và huyết áp thấp, đau bao tử thì uống thuốc này có cần lưu ý gì không ạ? Con nghĩ có lẽ con bị xoang nên mới hay đau đầu và khạc ra nhiều đờm thế. Mấy hôm nay con khạc nhiều mũi đau nhức lắm ạ, không khạc thì thật là khó chịu.
Còn nữa, bệnh tổ đỉa của con dạo này lên nhiều nốt rất khó chịu ạ.
Con rất mong thư thầy. Xin thầy trả lời thư sớm cho con với ạ!
Trả lời :
A-Nguyên nhân :
So với áp huyết tiêu chuẩn của khí công dưới đây :
95-100/60-65mmHg, mạch tim đập 60 là áp huyết ở tuổi thiếu nhi.( 5 tuổi-12 tuổi)
100-110/60-65mmHg, mạch tim đập 65 là áp huyết ở tuổi thiếu niên (13 tuổi – 17 tuổi)
110-120/65-70mmHg, mạch tim đập 65-70 là áp huyết ở tuổi thanh niên (18 tuổi-40 tuổi)
120-130/70-80mmHg, mạch tim đập 70-75 là áp huyết ở tuổi trung niên (41 tuổi-59 tuổi)
130-140/80-90mmHg, mạch tim đập 70-80 là áp huyết ở tuổi lão niên (60 tuổi trở lên)
Theo áp huyết của cháu đo được qúa thấp, nhất là thức ăn cũa bữa cơm chiều không có chất bổ khí và huyết nên sau khi ăn lại mất khí huyết làm mệt, vì áp huyết quá thấp, còn 96 và 99.
Do đó từ câu hỏi 1-7 là hậu qủa của cùng một nguyên nhân cơ thể thiếu máu và máu không lên nuôi đầu.
Câu 8 : Chức năng hoạt động co bóp của bao tử yếu không hấp thụ được chất bổ của thức ăn để biến thành máu mà biến thành đàm và bướu.
Câu 9 :Viêm âm đạo do cơ thể không đủ huyết, và không đủ khí để tống máu xấu ra một lần mà rỉ rả ra nhiều lần, máu hành kinh là máu xấu tụ lại ở đâu lâu nơi đó bị tăng nhiệt làm thành viêm nhiễm.
Câu 10 : Ăn xong ngồi làm việc ngay làm chức năng co bóp của ruột bị co thắt và cơ thể không tập luyện để giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động bình thường nên thường bị táo bón do co thắt cơ vòng hậu môn nên phân khó ra làm trầy xước hậu môn thì khi đi cầu ra máu đỏ tươi, còn đi cầu ra phân nâu đen là trầy xước trong sâu ở đường ruột.
Câu 11 : Bao tử hàn do chức năng của mẹ nó là tâm hỏa suy bởi tim không đủ máu tuần hoàn.
Câu 12 : Bệnh tổ đỉa là bệnh liên quan đến chức năng bảo vệ da thuộc phổi, do gan là kho chứa nhiều máu xấu như bị nhiễm trùng, thiếu oxy, dư đường trong gan.
Câu 13 : Cơ thể hay bị mệt do cơ thể thiếu khí huyết, ngồi phải gác chân mới dễ chịu là do khí huyết lắng tụ ứ đọng ở chân mà không tuần hoàn lên trên được do uống nhiều nước, khi ngồi, bụng dưới to đè nặng chèn ép động mạch háng làm khí huyết không tuần hoàn xuống chân.
B-Cách điều chỉnh Tinh-Khí-Thần :
Khi đã biết nguyên nhân thì cách chữa sẽ dễ dàng. Đầu tiên cần bổ máu để có đủ huyết, huyết lưu thông được cần phải tập luyện cho đủ khí để loại bỏ những máu xấu và độc tố trong cơ thể ra nhanh để không bị bệnh ngoài da, đi cầu phân xấu, và rong kinh.
Tinh :
1-Uống thuốc Cấp Cứu Thủy để làm tăng áp huyết và làm cho áp huyết không bị tụt xuống thấp :
Trị huyết áp tụt, choáng, trụy mạch :
Đại Hồi, Gừng Tươi, Gừng khô, Nhục Quế, mỗi thứ 4g, sắc 3 chén nước cạn còn 1 chén uống nóng vào mỗi tối trước khi đi ngủ, sáng dạy đo áp huyết.. Uống mỗi tối và đo áp huyết mỗi buổi sáng để so sánh xem có phải nhờ thuốc mà áp huyết tăng lên mỗi ngày hay không, khi tăng đúng tiêu chuẩn thì ngưng không cần uống nữa.
2-Điều tỳ khí hư không tiêu hóa được, ăn ít, đờm nhiều, ói mửa, bụng có hòn khối : Quất bán chỉ truật hoàn.
Bạch Truật 80g, Chỉ Thực 40g, Bán Hạ, Quất Bì, mỗi thứ 20g. Bọc 4 thứ bằng một lớp cơm mỏng, bọc ngoài bằng lá sen đem nướng khô, rồi bỏ lá sen đi, tất cả xay tán thành bột. Mỗi ngày uống 16g với nước nóng ấm vào mỗi buổi sáng..
3-Mua Mướp Đắng (Khổ Qua) bỏ hột, xay ra nước, dùng nước khổ qua chà xát lên da khô, da tổ đỉa, dùng kim tiểu đường chọc mụn nước vỡ ra, bôi lên mụn. Mỗi ngày làm 3 lần.
4-Mỗi cuối tuần, uống Trà Phan Tả Diệp vào tối thứ bẩy để sáng Chù Nhật xổ độc trong máu, vừa chữa táo bón đường ruột vừa lọc máu độc để bảo vệ da không bị độc tố.
Khí :
1-Tập 7 bài đầu khí công để kích thich thần kinh bộ não hoạt động, bài Cúi Ngửa 4 Nhịp 20 lần để cung cấp máu lên nuôi não, và bài day huyệt trên đầu theo Hà Đồ Lạc Thư thông các mạch huyệt trên đầu để chữa đau nhức mỏi đầu cổ gáy vai. Mỗi ngày tập 4 lần.
2-Về bệnh áp huyết thấp, cần tập bài Đứng Hát Kéo Gối Lên Ngực 200 lần làm tăng áp huyết và đưa máu tuần hoàn ở bụng dưới giúp kinh nguyệt được khai thông, giúp tăng lực co thắt đường ruột, không bị xệ ruột chèn ép động mạch háng và làm mềm phân đi cầu dễ, tiêu bệnh trĩ.
3-Về tiêu hóa, cần tập bài Kéo Ép G ối Thở Ra Làm Mềm Bụng 200 lần sau khi ăn 30 phút thông khí toàn thân, kích thích tiêu hóa nhưng làm hạ áp huyết nên phải tập tiếp bài Nạp Khí Trung tiêu 5 lần làm ấm bao tử và làm tăng áp huyết trở lại.
4-Làm tăng khí lực dẫn khí huyết thông ra tay chân bằng ba bài kết hợp Vỗ Tay 4 Nhịp 200 lần, Dậm Chân Phía Trước Phía Sau 5 phút và Dịch Cân Kinh 4 Nhịp 20 lần.
5-Tắm ngâm ngập người trong bồn tắm nước nóng ấm pha với 50g nước gừng giã lâu 15-30 phút giúp cơ thể nóng ấm, tăng thân nhiệt kích thích khí huyết tuần hoàn mạnh khắp cơ thể.
Thần :
Trước khi đi ngủ 30 phút, nằm tập thở thiền ở Đan Điền Thần giúp tăng thân nhiệt, áp huyết, hồng cầu.
Thân
doducngoc