Cách phục hồi sức khỏe sau tai biến mạch máu não để ăn được, nói được, đi đứng được

Kính Chào Bác

Cháu tên là Nguyễn Tân, ở Edmonton, cháu có được email của Bác qua Bác Kim Ý. Sau khi nghe bệnh trạng của Mẹ vợ cháu, Bác Ý cho cháu emai của Bác để tiện việc liên lạc.

Trước hết cháu xin kính chúc đến sức khỏe của Bác luôn được nhiều hồng ân trong Chúa và Mẹ Maria. Cháu cũng không có biết trước là hôm tháng 9 vừa rồi Bác có ghé qua Edmonton.

Thứ đến, cháu xin nhờ đến Bác giúp cho Mẹ vợ của cháu, Mẹ vợ cháu bị tai biến mạch máu não, hiện giờ đang nằm điều trị tại bệnh viện Alberta. Tình trạng của Mẹ cháu bây giờ là nói chuyện được, đầu óc có nhớ lại chuyện xưa, nhưng có lúc nhớ lúc quên. Còn bản thân thì chưa có đi được, hiện giờ vẫn nằm ở trên giường sau hơn 3 tháng vì Mẹ cháu bị mất cảm giác ở nửa người bên trái, bên phải thì hoạt động bình thường. Còn nữa Mẹ cháu cũng chưa có ăn uống gì được vì không thể nuốt được thức ăn, bây giờ bệnh viện chỉ có dùng tube feeding cho Mẹ cháu. Vì thế cháu xin nhờ đến Bác giúp cho gia đình chúng cháu cách nào để cho Mẹ cháu sớm bình phục lại. Gia đình chúng cháu thành thật cảm ơn Bác, nếu Bác có cần thêm chi tiết gì về bệnh trạng của Mẹ cháu thì cho chúng cháu hay, cháu sẽ cho Bác biết.

Rất mong được sự trả lời và giúp đỡ của Bác. Chúc Bác luôn khỏe và bình an.

Cháu

Tân Nguyên

Trả lời :

Cách điều chỉnh theo Tinh-Khí-Thần :

Tinh :

Trong trường hợp cho ăn bằng đưòng ống vào mũi, thì có thể kích thích bằng huyệt giúp cho nuốt được và giúp tiêu hoá nhanh, để sau đó có thể ăn và nuốt được một mình mà không cần truyền ống nữa.

Đứng bên cạnh giường bệnh nhân, một ngón tay cái hay ngón tay giữa bấm đè vào huyệt Trung Quản sâu 2-3cm giữ lâu 5-10 phút, (trung điểm tính từ mỏm xương ức đến rốn, là huyệt Trung Quản) sẽ nghe tiếng bụng sôi, nước thức ăn chảy từ vị quản xuống bao tử và từ bao tử chảy xuống ruột, làm trống bao tử, lúc đó bụng tự động phồng xẹp là bao tử bắt đầu hoạt động. Cùng lúc dùng ngón giữa tay kia bấm vào lỗ hõm dưới cổ là huyệt Thiên Đột, bấm sâu 1cm lâu 5 giây, buông lỏng nghỉ 10 giây, bấm lại 5 giây, nghỉ 10 giây, tiếp tục bấm, buông, nhiều lần cho đến khi cổ họng bệnh nhân nuốt được nước miếng sau mỗi lần bấm, chứng tỏ chức năng điều khiển cơ lưỡi đã nuốt được..

Thử lại cơ nuốt bằng cách day bấm bổ (thuận chiều kim đồng hồ) cùng lúc huyệt Chiếu Hải 9 lần, (đường thẳng góc từ mắt cá chân trong xuống mặt bằng của gan bàn chân, chia làm 3 đoạn, huyệt Chiếu Hải là điểm 1/3 tính từ đỉnh mắt cá chân trong) mục đích làm tiết nước bọt trong cổ họng khiến bệnh nhân tự động nuốt nước miếng. Công dụng của huyệt này chữa bệnh viêm cổ họng do cổ họng khô khát, không có nước mìếng, khi bấm huyệt này sẽ làm ướt trơn cổ họng, giảm đau khi nuốt…

Khi được ăn bằng miệng, mỗi lần xúc cho ăn 1 muỗng nhỏ thức ăn, thì bấm huyệt Thiên Đột 1 lần, lưỡi sẽ tự động đưa thức ăn vào cổ họng và nuốt.

Nhờ huyệt Thiên Đột, cho ăn thì dễ, nhưng đề phòng chức năng bao tử không làm việc để chuyển hóa thức ăn thành chất bổ, nó sẽ biến thành đàm đẩy lên cổ họng làm nghẹt thở hay sặc, nên sau khi ăn phải bấm đè huyệt Trung Quản 15-30 phút để giúp chuyển hóa thức ăn.

Khi có dấu hiệu cổ khò khè, bấm cùng lúc hai huyệt Trung Phủ để tống đàm trong phổi ra cổ họng hay tự cổ họng nuốt đưa đàm xuống bụng.(Huyệt Trung Phủ nằm ở hõm tay vai dưới xương đòn gánh nơi đỉnh phổi)

Thường thường sau khi bị tai biến, cũng chưa qua cơn nguy hiểm là do đàm làm nghẹt thở.

Khí :

Sau khi được ăn bằng miệng, chung quanh người không còn gắn dây nối với dụng cụ máy nào, lúc đó bắt đầu tập khí công để vận động tay chân cho khí huyết lưu thông.

1-Chữa Tay :

a-Chữa khuỷu tay bị co cứng :

Thay vì mình kéo tay giãn ra, nó lại co vào. Nên chúng ta làm ngược lại, bệnh nhân nằm ngửa, đặt cánh tay ngửa song song thân người, mình cầm cổ tay ép gập khuỷu tay vào cho bàn tay ép sát vào vai, bảo bệnh nhân thở hơi ra mỗi khi bị ép vào đau, mục đích thở ra làm mềm gân để dễ ép vào và làm giảm đau. Mình càng ép gập cùi chỏ cho bàn tay đụng sát vào vai bao nhiêu thì khi mở ra, cánh tay sẽ thẳng và mềm. Tập nhiều lần trong ngày, và tập mỗi ngày, nếu khớp vai bị xệ, trong khi ép khuỷu tay thì đẩy cánh tay trong lên sát vai cho gân kéo vào khớp.

b-Ngón tay co vào không duỗi ra được :

Sau khi cánh tay đã thẳng, đặt cách tay song song thân mình, bàn tay ngửa lên. Người chữa dùng lực của bàn tay mình đề giữ ấn cổ tay bệnh nhân sát xuống giường, mục đích không cho cánh tay nhúc nhích, người chữa dùng tay kia, cũng bấm bẻ gập từng ngón tay của bệnh nhân ép sát vào lòng bàn tay, khi ép vào bệnh nhân cảm thấy đau thì thở ra. Cứ ép vào thở ra, mở ra hít vào, 10 lần, cho mỗi ngón. Khi bấm bẻ như vậy là thông đường kinh mạch cho từng ngón tay nối với hệ thần kinh não để điều khiển cho ngón tay cử động.

c-Tập cử động nắm mở cả bàn tay :

Tập nắm mở bàn tay nhiều lần để nối thần kinh vận động bàn tay với bộ não.

Tập nắm chặt bàn tay :

Sau khi các ngón tay đã mềm, không bị co cứng. Đặt cánh tay và bàn tay bệnh nhân song song với thân mình, bàn tay ngửa. Người chữa dùng sức của 1 bàn tay ấn đè vào cườm tay bệnh nhân sẽ thấy các ngón tay bệnh nhân tự động co vào, mình dùng bàn tay kia của mình giúp bàn tay của bệnh nhân nắm chặt 5 ngón vào lòng bàn tay, rồi bảo bệnh nhân hít vào và tưởng tượng bệnh nhân đang dùng sức nắm bàn tay chặt lại.

Tập mở xòe bàn tay :

Mình buông tay đang đè trên cườm tay bệnh nhân ra, đổi điểm đè lên gần khuỷu tay của bệnh nhân, khi đè ở điểm này, sẽ thấy bàn tay bệnh nhân tự động xòe ra, lúc đó bàn tay kia của mình giúp mở 5 ngón tay bệnh nhân xòe ra bảo bệnh nhân cùng lúc thở ra và tưỏng tượng đang dùng sức điều khiển bàn tay xòe ra.

2-Chữa chân :

a-Tập cử động chân :

Sở dĩ chân chưa đi được vì không có sức bởi khí huyết chưa thông xuống chân. Người chữa dùng hai bàn tay bấm dọc theo xương ống chân từ đầu gối xuống đến mắt cá chân, cứ bấm từ trên xuống dưới, bấm phía bên ngoài thuộc king dương, bấm bên trong thuộc kinh âm, khi nào trong đầu nhận được tín hiệu giao cảm, rồi tự động đưa ra phản xạ làm các ngón chân nhúc nhích, khi bấm bệnh nhân cảm thấy đau càng nhúc nhích nhiều là có kết qủa làm thông khí huyết xuống chân, lúc đó chân sẽ mạnh và đi được.

Trước khi tập đi, cho ngồi trên ghế, tập đứng lên ngồi xuống, cho thần kinh bộ đầu biết điều chỉnh thăng bằng khi đứng khi ngồi và bài tập này giúp cho hai chân vững mạnh, tập khoảng 1 tuần cho đến khi bệnh nhân tự vịn vào điểm tựa đứng lên ngồi xuống một mình được, sau đó mới cho bệnh nhân tập đi bằng walker, người nhà đứng phía sau, cũng nắm tay vào walker, cả hai cùng tập đẩy walker bước đi từng bước cho quen, và cũng để đỡ bệnh nhân khi chân bệnh nhân yếu muốn bị xụm.

Tối đi ngủ, giã 2 củ gừng đắp vào 2 gan bàn chân, bó giữ lại bằng băng keo, và đi vớ bên ngoài cho khỏi rớt, sẽ giúp cho khi huyết dồn sức xuống chân, vừa ngủ ngon, vừa phục hồi kinh mạch dưới chân, đển ban ngày tập đi được dễ dàng.

Sau khi chân tay cử động được, và đã ăn được bằng miệng, bệnh nhân bắt đầu tập bài Kéo Ép Gối Thở Ra Làm Mền Bụng giúp thông khí toàn thân, làm mạnh tay chân gối lưng, giúp tiêu hóa tốt, làm tỉnh thần kinh. Bài tập này người khỏe mạnh cũng cần phải tập mỗi ngày sau khi ăn 30 phút để tăng tính hấp thụ chuyển hóa thức ăn thành chất bổ máu và giữ cho áp huyết, đường cholesterol trong cơ thể được ổn định.

Thần

Tối trước khi đi ngủ, dán một miếng gừng vào hai huyệt Khí Hải, Quan Nguyên, dán băng keo.(từ rốn đến xương mu chia làm 5 đoạn. Tính từ rốn xuống 1.5 đoạn là huyệt Khí Hải, từ rốn xuống 3 đoạn là huyệt Quan Nguyên).

Sau khi dán xong, bàn tay trái của bệnh nhân đặt lên huyệt Khí Hải, bàn tay phải đặt chồng lên trên, thở bình thường, nhắm mắt nằm nghe khí chuyển động ở huyệt Khí Hải, nghe càng lâu càng nhiều càng tốt cho đến khi rơi vào giấc ngủ, là cơ thể đang được bổ sung năng lượng, giống như trước khi đi ngủ chúng ta charge điện cho máy điện thoại vậy.

Thân

doducngoc